Cà phê là loại đồ uống được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là nhân viên văn phòng bởi hương vị thơm ngon, giúp tăng khả năng tập trung và tỉnh táo. Cà phê cũng được biết đến bởi những lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2, ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và thúc đẩy quá trình giảm cân.
Thời điểm uống cốc cà phê đầu tiên
Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay sau khi thức dậy để bắt đầu ngày mới một cách tỉnh táo. Tuy nhiên khi mới tỉnh giấc là lúc cơ thể đang giải phóng hormone cortisol, hay còn gọi là hormone căng thẳng. Mức cortisol thường đạt đỉnh vào khoảng 7 – 8 giờ sáng, khoảng 30-45 phút sau khi thức dậy và giảm dần trong suốt cả ngày, đạt mức thấp nhất vào giữa đêm khi ngủ. Theo cách này, cortisol giúp cơ thể duy trì chu kỳ ngủ-thức, được gọi là nhịp sinh học.
Tác dụng kích thích của cà phê chứa caffeine vào buổi sáng có thể làm tăng sản xuất cortisol, khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, bồn chồn, thậm chí dễ tức giận, cáu kỉnh. Cortisol đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng miễn dịch, quá trình trao đổi chất, tình trạng viêm và căng thẳng.

Nồng độ cortisol cao kéo dài do căng thẳng hoặc do uống nhiều cà phê có thể dẫn đến tình trạng viêm gây tổn thương các tế bào, cholesterol cao, huyết áp cao và dư thừa mỡ bụng. Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Anthony DiMarino cho biết thêm: “Khi nồng độ cortisol duy trì ở mức cao, bạn sẽ có nguy cơ tăng cân, mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác”.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh phát hiện ra rằng việc uống một cốc cà phê đen lớn ngay từ sáng sớm, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này là do caffeine kích thích giải phóng adrenaline, từ đó thúc đẩy quá trình phân hủy glucose ở gan, do đó giải phóng glucose vào máu.
Nghiên cứu chỉ ra việc uống cà phê trước bữa ăn có thể làm suy yếu khả năng duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh của cơ thể, đặc biệt là sau một đêm mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc. Nếu bị lượng đường trong máu cao hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ, các nhà nghiên cứu khuyên bạn tốt nhất là nên ăn một bữa giàu protein trước khi uống tách cà phê buổi sáng.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, một tách cà phê vào giữa buổi sáng từ 9h30 – 11 giờ sáng có thể giúp mọi người tận dụng lợi ích tối đa của loại đồ uống này. Đó là thời điểm mức cortisol trong cơ thể bắt đầu giảm. Nghiên cứu mới công bố tháng 1/2025 trên Tạp chí Tim mạch châu Âu phát hiện ra rằng những người uống cà phê vào buổi sáng có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn so với người uống cà phê cả ngày và không uống cà phê.
Thời điểm uống cốc cà phê cuối cùng trong ngày
Cốc cà phê cuối cùng các chuyên gia khuyến cáo nên uống vào lúc 2 giờ chiều để vượt qua cơn buồn ngủ, tăng năng suất làm việc. Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê có chứa caffeine trong vòng 6-8 giờ trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
Sự gián đoạn có thể dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều caffeine vào ngày hôm sau để tăng mức năng lượng, dẫn đến việc bị phụ thuộc vào loại đồ uống này. Thiếu ngủ có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, béo phì và trầm cảm.

“Caffeine có thời gian bán hủy từ 2-10 tiếng, tùy thuộc vào quá trình trao đổi chất của bạn. Nói cách khác, cơ thể bạn có thể mất ít nhất 2 tiếng hoặc lâu nhất là 10 tiếng để loại bỏ một nửa lượng caffeine từ một tách cà phê. Chính vì vậy uống cà phê quá muộn sẽ khiến bạn mất ngủ, đảo lộn nhịp sinh học”, Anthony DiMarino nói.
Theo Clever Clinic, Health
Đọc bài gốc tại đây.