Bí đao là loại quả rất quen thuộc trong mùa hè, dễ dùng, có thể chế biến nhiều món ngon, đồng thời là món ăn lành mạnh, ít calo và chứa lượng nước lớn. Cứ 100 gram bí đao có 96 gram nước, nhiều hơn 3% so với dưa chuột, cung cấp chỉ 12 calo, rất tốt cho những người đang theo chế độ giảm cân.
Trong mùa hè nóng nực, uống bát canh bí đao giống như thực hiện liệu pháp spa cho các cơ quan nội tạng.

Bí đao giúp cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cơ thể. (Ảnh: Sohu)
Bí đao được coi là “ngân hàng kali”, giúp cân bằng hàm lượng kali trong cơ thể, tránh tình trạng phù nề.
Không chỉ thế, hạt bí đao cũng có thể được tận dụng rang lên làm đồ ăn vặt. Theo y học cổ truyền, hạt bí đao rất tốt để làm ẩm phổi, giảm đờm. Loại hạt này chứa nhiều axit oleic và axit linoleic, thành phần dưỡng ẩm được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da nổi tiếng.
Sai lầm khi chế biến bí đao
Mặc dù đây là loại rau quả tốt cho sức khỏe, một số sai lầm khi chế biến bí đao sẽ làm giảm lợi ích của nó, thậm chí gây bất lợi cho sức khỏe.
Ăn bí đao sống
Do bí đao chứa nhiều nước, có tác dụng hỗ trợ giảm cân nên nhiều người thường sử dụng nước ép bí đao sống để đốt mỡ thừa. Tuy nhiên, bí đao sống có tính chất xà phòng cao, có hại cho hệ tiêu hóa của bạn. Khi nấu hoặc hầm lên, tính xà phòng gần như mất hết, vì thế thay vì uống nước bí đao sống, bạn có thể thay bằng món canh bí đao.

Lạm dụng nước ép sống là một sai lầm khi chế biến khiến bí đao. (Ảnh: Sohu)
Kết hợp với thực phẩm tính hàn
Bản thân bí đao có tính hàn, nếu ăn kèm với các thực phẩm lạnh khác, nó sẽ làm tăng tính hàn trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe. Các loại thực phẩm có tính hàn bao gồm khổ qua, cua, đậu xanh, rong biển…
Canh bí đao nấu cua ăn vào mùa hè rất ngon, giải nhiệt tốt, nhưng đối với những người tỳ vị hư nhược thì không khác nào “thêm dầu vào lửa”, dễ gây ảnh hưởng xấu cho đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và các triệu chứng khác.
Nấu quá kỹ
Đây cũng là một sai lầm khi chế biến khiến bí đao mà rất nhiều người mắc. Bí đao giàu vitamin và khoáng chất, dễ bị phá hủy khi hầm ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Hơn nữa, nếu nấu quá kỹ, bí đao sẽ mất đi hương vị, giảm độ tươi ngon ban đầu.
Thông thường, bí đao nên được nấu chín đến khi trong suốt hoặc hơi đục, như vậy mới đảm bảo được hương vị của bí đao và giữ được tối đa các chất dinh dưỡng.
Sơ chế không đúng cách
Bí đao có thể tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, phân bón trong quá trình sinh trưởng, và cũng có thể bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Do đó, việc sơ chế không nên qua loa. Trước khi ăn bí đao, hãy nhớ rửa sạch. Bạn có thể ngâm bí đao trong nước sạch một lúc rồi rửa lại bằng nước chảy, hoặc dùng bàn chải chà nhẹ bề mặt bí đao để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất.

Tránh hầm kỹ bí đao sẽ khiến mất đi chất dinh dưỡng. (Ảnh: Sohu)
Ba nhóm người cần hạn chế ăn bí đao
Bí đao rất tốt nhưng nên hạn chế với:
Người tỳ vị hư
Người tỳ vị hư thường có triệu chứng sợ lạnh, tay chân lạnh, dễ bị đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn đồ lạnh. Bí đao có tính hàn, ăn vào sẽ làm tăng độ lạnh trong cơ thể, tổn thương thêm dương khí của tỳ vị. Điều này giống như dội một chậu nước lạnh vào người giữa mùa đông giá lạnh, khiến tỳ vị càng suy yếu.
Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt
Cơ thể phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt thường yếu ớt, cần được giữ ấm. Tính lạnh của bí đao có thể gây đau bụng kinh, rong kinh và các vấn đề khác. Cơ thể phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt cần được chăm sóc cẩn thận. Bí đao lạnh như luồng khí lạnh đột ngột, phá vỡ sự cân bằng của cơ thể.
Nhiều phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt bị đau bụng dữ dội sau khi ăn đồ sống, lạnh và mát. Đây là biểu hiện của sự xâm nhập của hàn khí vào tử cung. Tính lạnh của bí đao cũng có thể gây ra tình trạng tương tự, vì vậy tốt nhất phụ nữ nên ăn ít hoặc không ăn bí đao trong kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể chọn một số thực phẩm ấm và dễ tiêu hóa như táo tàu, long nhãn, nước đường nâu… để làm ấm cơ thể và thúc đẩy quá trình đào thải máu kinh.
Người có bệnh thận
Bí đao có tác dụng lợi tiểu. Đối với người bình thường, việc ăn bí đao đúng cách có thể giúp đào thải nước và chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể, giảm gánh nặng cho thận. Tuy nhiên, đối với người suy thận, mọi việc lại khác. Chức năng bài tiết của thận đã bị tổn thương, không thể điều hòa cân bằng nước và điện giải trong cơ thể một cách bình thường.
Nếu ăn nhiều bí đao vào thời điểm này, tác dụng lợi tiểu của bí đao sẽ làm tăng lượng nước tiểu, khiến thận không thể xử lý nước tiểu kịp thời và hiệu quả, có thể gây rối loạn nước và điện giải trong cơ thể, tăng gánh nặng cho thận, làm tổn hại thêm chức năng thận. Điều này giống như việc ép một cỗ máy vốn đã không thể hoạt động ở mức quá tải, chỉ khiến tổn thương cho máy móc trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, người bị suy thận nên thận trọng khi ăn bí đao và nên sắp xếp chế độ ăn uống hợp lý theo hướng dẫn của bác sỹ.
Đọc bài gốc tại đây.