Với người dân Việt Nam, rau muống là thứ rau “quốc dân” – lứa tuổi nào cũng thích.
Từ món rau muống luộc ăn kèm cà dầm tương, cho đến rau muống xào tỏi thơm nức… món ăn nào cũng gần gũi và thuần khiết trong ẩm thực Việt.
Ở một đất nước nổi tiếng khắt khe về ẩm thực như Nhật Bản, rau muống đang dần chiếm được cảm tình, thậm chí được xem như món đặc sản lạ miệng với mức giá không hề rẻ.
Tại Nhật Bản, chỉ cần 10 cọng rau muống cũng có thể được bán với giá lên tới 500 yên (tương đương gần 100.000 đồng Việt Nam). Trước đây, người Nhật hầu như không ăn rau muống, nhưng vài năm gần đây món rau muống xào tỏi hay rau muống trộn đã trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng người Nhật, đặc biệt tại các siêu thị chuyên thực phẩm châu Á.

Ở Nhật Bản, rau muống là thứ bán giá cao nhưng vẫn được yêu thích.
Rau muống: Thứ rau “quốc dân” của người Việt tốt đến đâu?
1. Nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa
Một trong những lợi ích nổi bật nhất của rau muống là khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Với hàm lượng chất xơ cao, rau muống giúp kích thích nhu động ruột, từ đó cải thiện tình trạng táo bón, làm sạch đường ruột và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đại tràng.

Đây cũng là lý do khiến loại rau này được khuyên dùng thường xuyên trong thực đơn của người lớn tuổi hoặc những người có vấn đề về tiêu hóa.
2. Hạ đường huyết tự nhiên
Rau muống chứa ít calo nhưng lại giàu chất xơ, rất thích hợp cho người mắc bệnh tiểu đường. Việc ăn rau muống luộc thường xuyên, không qua chế biến nhiều dầu mỡ, giúp điều hòa lượng đường trong máu một cách ổn định. Đồng thời làm chậm quá trình hấp thu glucose vào máu. Đây là lý do tại sao nhiều chuyên gia dinh dưỡng xem rau muống là “thực phẩm hỗ trợ điều trị” trong phác đồ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường.
3. Làm đẹp da từ bên trong
Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, rau muống còn là “người bạn thân” của làn da. Nhờ chứa nhiều chất diệp lục cùng các chất chống oxy hóa, rau muống giúp dưỡng ẩm, làm dịu các tình trạng viêm da, đồng thời hỗ trợ làn da khỏe mạnh từ bên trong.
Chất diệp lục còn có khả năng ngăn ngừa sự hình thành của sulfide – hợp chất gây mùi trong khoang miệng và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Rau muống có nhiều công dụng về sức khỏe.
4. Ổn định huyết áp
Lượng kali và canxi dồi dào trong rau muống giúp duy trì huyết áp ổn định, ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao. Điều đặc biệt là phần lá rau muống thường bị nhiều người bỏ qua lại là nơi chứa nhiều kali và chất xơ nhất. Vì vậy, nếu chỉ ăn phần cọng mà bỏ lá, bạn đã vô tình đánh mất phần dinh dưỡng quý giá nhất của món rau này.
5. Tăng cường thị lực
Ít ai biết rằng rau muống còn có tác dụng bảo vệ đôi mắt. Trong rau muống có chứa hàm lượng beta-carotene cao – một tiền chất của vitamin A, giúp cải thiện thị lực, phòng ngừa bệnh quáng gà và khô mắt.
Đây là loại thực phẩm phù hợp cho cả người lớn tuổi và trẻ em những đối tượng dễ bị tổn thương về mắt nếu không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất.
Rau muống rất tốt nhưng không phải ai cũng nên ăn

Dù sở hữu nhiều công dụng cho sức khỏe, rau muống không phải là loại thực phẩm phù hợp với tất cả mọi người.
1. Người bị bệnh gút: Rau muống chứa lượng đạm thực vật khá cao, không thích hợp với người đang bị gút – một bệnh lý do rối loạn chuyển hóa purin. Ăn rau muống có thể làm tăng axit uric trong máu và kích thích các cơn đau gút cấp tính.
2. Người đang dùng thuốc Đông y: Trong khi điều trị bằng các bài thuốc Đông y, việc ăn rau muống có thể gây tương tác và làm giã thuốc, giảm hiệu quả điều trị. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng các vị thuốc có độc tính thấp cần giữ nguyên dược lực.
3. Bệnh nhân sỏi thận: Rau muống chứa oxalate – một hợp chất dễ tạo thành tinh thể canxi oxalate khi vào cơ thể, góp phần hình thành sỏi thận. Người có tiền sử sỏi thận hoặc nguy cơ cao mắc bệnh nên hạn chế tiêu thụ rau muống.
4. Người bị viêm khớp: Rau muống có thể làm tăng phản ứng viêm tại các khớp, khiến cơn đau trở nên dữ dội và khó chịu hơn. Vì vậy, những ai đang bị viêm khớp hoặc đau nhức xương khớp nên cân nhắc kỹ trước khi ăn.
5. Người mới phẫu thuật hoặc có vết thương hở: Với đặc tính kích thích mô hạt phát triển nhanh, rau muống có thể gây hiện tượng lồi thịt ở vùng da đang hồi phục, dẫn đến sẹo lồi. Người vừa trải qua phẫu thuật hoặc có vết thương cần kiêng tuyệt đối loại rau này cho đến khi cơ thể lành hẳn.
Đọc bài gốc tại đây.