Nội dung chính
Thứ nước “kem chống nắng” mà chúng ta đang nói đến chính là nước dừa!
Nước dừa được tiêu thụ rộng rãi như một thức uống tự nhiên giải khát. Nước dừa được biết đến nhiều nhất vì giúp giữ nước cho cơ thể. Ít ai biết nó cũng rất tốt cho làn da, là thứ luôn cần vào mùa hè, nhất là khi đi du lịch biển.
Vì sao nước dừa được ví là loại nước “kem chống nắng” ngăn da nhăn nheo, đen sạm?
Theo TS.BS da liễu và chuyên gia thẩm mỹ Mounica C. (làm việc tại Mỹ), nước dừa là nguồn cung cấp chất điện giải tự nhiên, bao gồm kali, natri và magiê. Nó đặc biệt hữu ích đối với những người có làn da khô. Nó cung cấp chất điện giải và các hợp chất dưỡng ẩm tự nhiên khác có thể bổ sung độ ẩm cho các tế bào da, mang lại cho da vẻ căng mọng và ẩm mượt.

Cytokinin, có trong nước dừa, giúp làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và vết chân chim bằng cách thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào. Ngoài ra, nước dừa chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của các gốc tự do, một tác nhân khác gây ra nếp nhăn.
Chưa dừng lại ở đó, collagen, một loại protein được biết đến với tác dụng giữ cho da săn chắc và nước dừa có mối liên hệ với nhau. Nước dừa có thể đóng vai trò là nguồn thực phẩm giúp tăng cường sản xuất collagen, giúp da săn chắc và trẻ trung hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Nha khoa Phòng ngừa và Cộng đồng Quốc tế, nước dừa có tác dụng kháng khuẩn. Vì vậy, sử dụng nước dừa có thể giúp điều trị mụn trứng cá. Axit lauric trong nước dừa có đặc tính chống viêm tiềm ẩn. Điều này có thể giúp làm dịu kích ứng và giảm mụn. Đối với da dầu hoặc dễ bị mụn, nước dừa có thể cung cấp đặc tính làm se nhẹ.
Loại nước “kem chống nắng” này còn làm dịu vết cháy nắng. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến cháy nắng, làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng khác như đốm đen và nếp nhăn. Nước dừa có thể làm dịu vết cháy nắng do đặc tính làm mát và dưỡng ẩm của nó.

Ngoài những lợi ích tuyệt vời cho làn da, uống nước dừa còn rất tốt cho sức khỏe
1. Bù nước, cấp điện giải
Nước dừa chứa nhiều kali, magie, natri – những chất điện giải giúp cân bằng nước trong cơ thể. Sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi nhiều hay mệt mỏi, một ly nước dừa sẽ giúp bạn hồi sức nhanh hơn.
2. Tốt cho tim mạch
Kali trong nước dừa giúp giảm huyết áp ở người bị cao huyết áp nhẹ. Ngoài ra, một số nghiên cứu sơ bộ còn ghi nhận khả năng cải thiện mỡ máu, giảm LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt).

3. Tốt cho tiêu hóa
Nước dừa có chứa enzyme tự nhiên như catalase, dehydrogenase và peroxidase hỗ trợ tiêu hóa, giảm cảm giác đầy bụng. Lượng chất xơ ít nhưng “có võ”, giúp nhuận tràng nhẹ nhàng.
4. Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, nước dừa giúp cải thiện độ nhạy insulin. Tuy chưa đủ mạnh để thay thế thuốc, nhưng có thể là lựa chọn tốt cho người cần kiểm soát lượng đường nhẹ nhàng, đặc biệt khi so với các loại nước ngọt có đường.
Những điều cần lưu ý khi uống nước dừa
1. Không phải ai cũng nên uống nhiều
Người có vấn đề về thận hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu nên hỏi bác sĩ trước. Nước dừa giàu kali. Quá nhiều kali có thể gây rối loạn điện giải.

2. Không uống khi bụng quá đói
Một số người uống nước dừa khi bụng rỗng có thể cảm thấy đầy hơi, khó chịu. Hãy uống sau bữa ăn nhẹ hoặc giữa các bữa chính để cơ thể hấp thu dễ dàng hơn.
3. Không lạm dụng như “thần dược”
Dù có nhiều lợi ích, nước dừa không thay thế được nước lọc, trái cây tươi hay chế độ ăn cân bằng. Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 1-2 trái dừa là đủ. Uống quá nhiều có thể gây tăng cân vì vẫn có năng lượng và đường tự nhiên.
4. Ưu tiên nước dừa tươi nguyên chất
Nhiều loại nước dừa đóng chai, đóng hộp có thêm đường, chất bảo quản. Hãy chọn loại không đường, không hương liệu, hoặc tốt nhất là uống nước dừa tươi tại nhà.
(Ảnh minh họa: Internet)
Đọc bài gốc tại đây.