Một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra xoay quanh chiếc xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine. Những tuyên bố gần đây của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan đã như “đổ thêm dầu” vào cuộc tranh luận này.
Ông Sullivan nhận xét:“Những chiếc xe tăng này thực sự không được các đơn vị Ukraine sử dụng, vì chúng không phải là thiết bị hữu ích nhất đối với họ trong cuộc xung đột này”. Lời thừa nhận này được đưa ra mặc dù trước đó Ukraine đã bày tỏ mong muốn mua những chiếc xe tăng này.

Điểm hạn chế của Abrams
Các báo cáo thực địa dường như đã xác nhận cho nhận xét của Sullivan. Lực lượng Ukraine chủ yếu sử dụng xe tăng T-72 thời Liên Xô và Leopard 2 do Đức cung cấp, trong khi xe tăng Abrams được triển khai rất hạn chế.
Các quan chức Ukraine đã chỉ trích Abrams vì thiếu lớp giáp bảo vệ đầy đủ cùng hệ thống chiến đấu và liên lạc hiện đại. Những thiếu sót này, kết hợp với sự phức tạp về mặt hậu cần trong việc bảo dưỡng xe tăng, đã đặt ra câu hỏi về tính thực tế của chúng trên chiến trường.
Trong số 31 xe tăng Abrams ban đầu được chuyển giao cho Ukraine, đã có hơn 20 chiếc được cho là bị phá hủy, vô hiệu hóa hoặc bị bắt giữ. Chủ yếu là do các cuộc tấn công bằng pháo có điều khiển và máy bay không người lái cảm tử của Nga.
Binh sĩ Ukraine cũng bày tỏ không hài lòng với xe tăng Abrams trong các cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông phương Tây. Họ nhấn mạnh các vấn đề kỹ thuật thường gặp, chẳng hạn như độ nhạy của các thành phần điện tử và khả năng dễ bị tổn thương của xe tăng trước hỏa lực của Nga.
Kích thước lớn cũng khiến Abrams trở thành mục tiêu dễ thấy và dễ thu hút sự chú ý của hoả lực đối phương so với các xe tăng nhỏ hơn do Liên Xô thiết kế như T-80 và T-64.

Bất chấp những trở ngại này, Ukraine vẫn sẽ nhận thêm xe tăng Abrams, mặc dù không phải trực tiếp từ Mỹ. Lô tiếp theo gồm 49 xe tăng M1A1SA Abrams, sẽ đến từ Australia với sự chấp thuận của Washington. Lô hàng mới này là một phần trong gói viện trợ quân sự trị giá 245 triệu đô la của Australia.
Nhận định từ các chuyên gia
Các nhà phân tích quân sự và chuyên gia quốc phòng phương Tây từ lâu đã tranh luận về tác động tiềm tàng của việc triển khai xe tăng M1 Abrams ở Ukraine. Khi cuộc xung đột kéo dài, xe tăng chiến đấu chủ lực mang tính biểu tượng của Mỹ đã trở thành một chủ đề nóng.
Ngay từ đầu, những tiếng nói trong cộng đồng quốc phòng phương Tây đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu xe tăng Abrams có phải là yếu tố quyết định trên chiến trường ở Ukraine hay không. Cựu chỉ huy của Quân đội Mỹ tại Châu Âu, Mark Hertling lưu ý rằng, Abrams được xem là một kỳ quan công nghệ nhưng nhu cầu hậu cần của nó cũng rất lớn.
“Đây là những chiếc xe tăng hiện đại, nhưng chúng đòi hỏi một chuỗi cung ứng tinh vi để duy trì hoạt động. Mức tiêu thụ nhiên liệu rất lớn và yêu cầu mức độ bảo dưỡng chuyên biệt, điều này có thể gây sức ép lên năng lực hiện tại của Ukraine”.
Những thách thức về hậu cần không phải là mối quan tâm duy nhất. Abrams được trang bị động cơ tua-bin khí cung cấp tốc độ và khả năng cơ động mạnh mẽ, nhưng mức độ tiêu thụ nhiên liệu lớn hơn nhiều so với động cơ diesel trên các xe tăng thời Liên Xô của Ukraine.
Trong điều kiện chiến trường Ukraine, điều này có thể trở thành một điểm yếu quan trọng. “Chỉ riêng hậu cần nhiên liệu đã khiến Abrams không phù hợp với các điều kiện mà lực lượng Ukraine phải đối mặt hàng ngày”, Ben Barry, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.

Hơn nữa, sự phụ thuộc của xe tăng Abrams vào các thành phần và hệ thống tiên tiến đặt ra câu hỏi về tính bền vững trong chiến đấu. Lực lượng Ukraine, vốn quen với việc duy trì các thiết bị cũ theo phong cách Liên Xô, gặp nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo.
Barry nói thêm: “Việc đào tạo binh sĩ vận hành và bảo dưỡng xe tăng Abrams đòi hỏi thời gian, nguồn lực và trình độ kỹ thuật thành thạo, điều này rất khó phát triển trong bối cảnh xung đột cường độ cao” .
Những thách thức này không làm giảm ý nghĩa biểu tượng và chính trị của việc cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine. Tuy nhiên, khả năng thực tế của chúng trong giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Một số chuyên gia cho rằng nên cung cấp cho Ukraine những thiết bị phù hợp hơn với thực tế hoạt động của nước này, chẳng hạn như hệ thống pháo binh bổ sung, xe bọc thép chở quân và máy bay không người lái. Những thiết bị này hiện được đánh giá rất hiệu quả trên chiến trường.
Quang Hưng
Đọc bài gốc tại đây.