Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 3/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 20.244 tấn hạt tiêu, trong đó tiêu đen chiếm 17.493 tấn và tiêu trắng đạt 2.751 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 141,6 triệu USD.
Hồ tiêu tiếp tục là một trong những ngành nông sản chủ lực của Việt Nam với vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế. Năm 2024, Việt Nam duy trì vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với sản lượng 170.000 tấn, chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu và 60% thị phần xuất khẩu.
Riêng trong năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ đã đem về hơn 400 triệu USD (gần 10.500 tỷ đồng), khẳng định vai trò quan trọng của thị trường này trong kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam – Theo An ninh Tiền tệ.

Bò sốt tiêu đen.
Hồ tiêu – Gia vị quen thuộc, bài thuốc quý
Lương y Bùi Đắc Sáng – Hội Đông y Hà Nội – cho biết hạt tiêu có vị cay, tính nóng, đi vào hai kinh vị và đại tràng. Hồ tiêu có tác dụng trừ lạnh, giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa, chống nôn, chữa các chứng đau bụng do lạnh, nôn mửa và ăn không tiêu.
Ngoài tác dụng trên, hồ tiêu còn có khả năng sát trùng, diệt ký sinh trùng. Mùi hương của hồ tiêu được dùng để đuổi sâu bọ và bảo vệ quần áo len khỏi bị cắn phá. Đặc biệt, hồ tiêu đen – loại phổ biến ở Việt Nam – còn được khoa học chứng minh có tác dụng ngăn ngừa ung thư, kiểm soát huyết áp và hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa.
Hồ tiêu đen chứa nhiều chất chống oxy hóa, trong đó piperine là thành phần nổi bật giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do và giảm viêm trong cơ thể – yếu tố liên quan đến nhiều bệnh mãn tính như tim mạch. Ngoài ra, piperine còn hỗ trợ giảm cholesterol xấu (LDL) và triglyceride, đồng thời tăng cholesterol tốt (HDL), góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ngoài piperine, hồ tiêu đen còn giàu vitamin C, flavonoid và carotenoid – những chất chống oxy hóa khác giúp bảo vệ tế bào thần kinh, cải thiện lưu thông máu và cung cấp oxy cho não bộ.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, dù hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao và có nhiều lợi ích sức khỏe, người Việt lại dùng hồ tiêu rất ít, chủ yếu chỉ rắc vào nước chấm hoặc một số món ăn, trong khi tác dụng lại vượt trội hơn nhiều.
Ông Sáng khuyên người dân nên kết hợp hồ tiêu với các thực phẩm hoặc vị thuốc khác để phát huy tối đa công dụng. Có thể dùng 2-4g hồ tiêu sắc lấy nước uống hoặc tán bột hoàn thành viên dùng chữa đau bụng do lạnh, ăn không tiêu.
Ngoài ra, hồ tiêu còn dùng chữa đau răng bằng cách phối hợp với tất bát, nghiền nhỏ trộn với sáp ong, tạo viên nhỏ để nhét vào chỗ răng đau. Tuy nhiên, do tính cay nóng của hồ tiêu, khi dùng làm thuốc cần tham khảo ý kiến chuyên gia về liều lượng để tránh tác dụng phụ.
Lưu ý khi sử dụng hồ tiêu
Một số nhóm người cần hạn chế dùng hồ tiêu, như người mắc hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ hoặc phụ nữ mang thai, do hồ tiêu có thể gây nóng trong, táo bón, kích ứng niêm mạc và tăng nguy cơ chảy máu ở người bị trĩ.
Hồ tiêu không chỉ là gia vị tạo hương vị đậm đà mà còn là vị thuốc quý giúp tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Việc nâng cao nhận thức và sử dụng đúng cách sẽ giúp người Việt tận dụng được “kho báu” ngay trong gian bếp của mình, ông Sáng nói.
Đọc bài gốc tại đây.