Mới đây, một video tai nạn ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã xuất hiện trên một nhóm chuyên về các vấn đề giao thông và xe, thu hút nhiều sự chú ý. Cụ thể, đoạn video được chia sẻ trên nhóm cho thấy hai người đèo nhau trên một chiếc xe côn tay hiệu Honda đã mất lái, đâm vào hộ lan. Vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 2B dẫn tới thị trấn Tam Đảo.
Mặc dù người lái dường như đã rất nỗ lực để giảm tốc nhưng chiếc xe vẫn lao thẳng vào hộ lan, khiến người lái ngã ra phía ngoài hộ lan sau va chạm.
Người đi xe máy mất lái, đâm vào hộ lan trên đường đèo Tam Đảo.
Video vụ tai nạn này xuất hiện ngay sau một vụ tai nạn tương tự cũng tại Tam Đảo, khi một chiếc xe tay ga dường như bị mất phanh khi đổ đèo, đâm mạnh vào hộ lan khiến hai người trên xe văng ra khỏi xe.
Vụ tai nạn xe tay ga vừa xảy ra cũng ở đèo Tam Đảo.
Điểm chung của cả hai vụ tai nạn này là đều xảy ra trên đường dốc đi xuống, từ thị trấn Tam Đảo xuống trung tâm huyện Tam Đảo. Tuy nhiên, điểm khác là chiếc xe tay ga nhiều khả năng đã bị mất phanh, còn chiếc xe côn tay dường như chỉ mất lái.
Hai tình huống xuất hiện trên mạng xã hội gần nhau khiến nhiều người băn khoăn, bởi nhiều người cho rằng xe côn tay sẽ an toàn hơn so với xe tay ga, nhất là khi di chuyển đường đèo. Điều này, trên thực tế, là chính xác; tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ nằm ở chiếc xe.
Trong tình huống của chiếc xe côn tay, lỗi của người lái đã dẫn tới tình huống tai nạn. Lỗi nằm ở cả việc phán đoán tình huống, không tuân thủ luật giao thông, và kỹ năng điều khiển xe.

Ảnh cắt từ video.
Tình huống giao thông trong khoảnh khắc tai nạn này là đường dốc xuống, chuẩn bị cua gấp (gương cầu lồi chính là dấu hiệu) và khuất tầm nhìn làn đường ngược chiều; chiếc xe máy đang đi hai người, là mẫu Honda Winner đời đầu không có phanh ABS.
Trong tình huống này, một người lái xe an toàn sẽ duy trì khoảng cách với xe ô tô gắn camera hành trình, không vượt lên cho đến khi có đủ điều kiện.
Song, người lái chiếc xe côn tay đã vượt lên và tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm. Sau khi vượt lên, người lái dường như đã bị bất ngờ với độ ngoặt của khúc cua; cùng với quán tính lớn khi xe đang xuống dốc và vừa vượt xong, người lái đã cố gắng giảm tốc nhưng không tránh được tai nạn.
Không đọc được tình huống giao thông là vấn đề đầu tiên của người lái chiếc xe côn tay này. Tại bất cứ khúc đường cua khuất tầm nhìn nào, người lái xe không nên vượt để đảm bảo an toàn cho chính mình và người cùng tham gia giao thông.
Tiếp theo là vấn đề vi phạm luật giao thông. Hai làn đường của phần đường này đang được ngăn cách nhau bằng vạch kẻ liền, là loại vạch mà người lái không được phép vượt qua. Tuy nhiên, người lái xe máy đã vượt qua vạch liền để vượt lên chiếc ô tô gắn camera.

Ảnh cắt từ video.
Cuối cùng là vấn đề kỹ năng điều khiển xe.
Người lái xe hai bánh cần hiểu rằng mọi thao tác giảm tốc (gồm phanh, giảm số) phải thực hiện xong trước khi vào cua. Lý do là vì nếu dậm phanh khi xe đang nghiêng để vào cua, xe sẽ bị dựng thẳng lại và lao thẳng đi thay vì đi theo quỹ đạo cong. Kỹ năng lái xe đúng khi vào cua là phải duy trì tốc độ xe ổn định.
Một vấn đề khác khi điều khiển xe côn tay là không được âm côn (ngắt côn) khi phanh. Người lái xe sử dụng động cơ đốt trong nói chung có thể tận dụng lực ghìm của động cơ để giảm tốc bên cạnh việc sử dụng phanh. Trong tình huống nguy hiểm, lực ghìm của động cơ và phanh sẽ cùng hãm xe lại.
Tuy nhiên, qua quan sát, có thể thấy rằng dù rất nỗ lực phanh nhưng chiếc xe vẫn lao đi và tông thẳng vào hộ lan. Điều này có thể xảy ra do một trong hai, hoặc cả hai thao tác sau:
– Ngắt côn khi phanh
– Phanh không đủ mạnh do sợ bị khóa bánh (chiếc xe không có phanh ABS)
Tóm lại, người lái là yếu tố chính dẫn đến vụ tai nạn trong tình huống này. Xe côn tay chỉ đơn giản được thiết kế cho phép người điều khiển xe làm chủ nhiều hơn các bộ phận cơ khí truyền động của xe.
Đọc bài gốc tại đây.