Sau Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xe máy xăng dầu trong khu vực Vành đai 1 (Hà Nội) từ tháng 7/2026, Sở Xây dựng của thành phố đang có những đề xuất cụ thể để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh.
Bên cạnh đó, các hãng xe máy trong nước cũng đang có những động thái khác nhau nhằm hỗ trợ người tiêu dùng chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện.
Là nhà sản xuất nắm giữ thị phần xe máy điện lớn nhất cả nước, VinFast cũng là cái tên đi đầu trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi xanh. Tính từ đầu năm nay, hãng này đã có tới 3 lần điều chỉnh giá xe máy điện với mức giảm 15-20% tùy dòng xe để đưa tới người dùng những mức giá dễ tiếp cận hơn.

Bên cạnh đó, VinFast còn có chương trình “Đổi xăng lấy điện” tại nhiều thành phố lớn trên cả nước cùng chính sách hỗ trợ sạc miễn phí xe máy điện đến hết tháng 5/2026.
Mới đây hôm 23/7, tập đoàn Vingroup có đề xuất gửi lãnh đạo TP Hà Nội về loạt chính sách bổ sung để hỗ trợ chuyển đổi xe xăng sang xe điện trên địa bàn thành phố. Theo đó, tập đoàn mẹ của VinFast muốn hỗ trợ 100% phí trước bạ và giảm 10% giá xe cho người dân Hà Nội khi mua xe máy điện thương hiệu VinFast, đồng thời gia hạn chính sách sạc miễn phí đến hết 31/5/2027.
Với ưu đãi giảm 10% giá xe, nếu mua mẫu Motio có giá 12 triệu đồng – thấp nhất trong dải sản phẩm của VinFast, người tiêu dùng sẽ được giảm 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, mức giảm cao nhất sẽ dành cho mẫu Theon S là 5,69 triệu đồng.
Cộng thêm cả chính sách hỗ trợ toàn bộ phí trước bạ (2% giá xe theo mức tính hiện nay), người dân Hà Nội có thể tiết kiệm được tổng cộng khoảng 1,44-6,828 triệu đồng khi mua các dòng xe máy điện VinFast.
Hiện nay, hãng xe Việt đang có một danh mục sản phẩm xe máy điện khá đa dạng từ phân khúc dành cho học sinh, phổ thông cho đến cao cấp. Một số cái tên nổi bật trong phân khúc giá 20-30 triệu đồng gồm có Evo200/Evo200 Lite (22 triệu), Feliz Neo (22,4 triệu) hay Klara Neo (28,8 triệu).
Xếp sau VinFast về thị phần xe máy điện ở Việt Nam là Yadea . Hãng xe Trung Quốc này cũng đang hỗ trợ khách hàng chuyển đổi xe xăng sang xe máy điện với chương trình thu cũ đổi mới và giảm giá trực tiếp cho một số mẫu xe.
Về phần Honda Việt Nam , dù hãng này mới chỉ gia nhập thị trường xe máy điện từ đầu năm nay nhưng đã sớm có những động thái để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh.

Honda CUV e:.
Trong đó, hãng vừa mới bàn giao mẫu CUV e: trong tháng 7 dưới hình thức cho thuê với chi phí gần 1,5 triệu đồng/tháng, đi kèm chính sách đổi pin miễn phí tại đại lý ủy quyền (HEAD). Hình thức thuê xe này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu, tiết kiệm hơn so với việc mua đứt, đồng thời cho phép người dùng trải nghiệm sản phẩm đủ lâu trước khi quyết định có mua xe hay không.
Với mẫu xe còn lại là ICON e: giá từ 26,4 triệu đồng, Honda có chương trình tặng voucher phụ kiện trị giá 2 triệu đồng hoặc lựa chọn trả góp không lãi suất. Ngoài ra, hãng cũng cam kết hỗ trợ mua lại xe sau 3 năm sử dụng nếu đáp ứng đủ điều kiện về chất lượng và bảo dưỡng theo quy định.
Chính sách này nhằm giải quyết mối lo xe máy điện nhanh mất giá hay khó bán lại. Các xe hãng mua lại sẽ được tân trang và tái bán, theo tinh thần bền vững và thân thiện môi trường của xe máy điện.

Nhìn chung, chủ trương hạn chế xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội cũng nhằm mục đích giảm ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại thủ đô.
Quá trình chuyển đổi sang phương tiện không phát thải diễn ra như một xu hướng tất yếu nhưng cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cả sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Và để có được sự đồng thuận đó, những chính sách hỗ trợ về chi phí hợp lý, sự bảo đảm về mạng lưới trạm sạc và dịch vụ hậu mãi chất lượng là rất cần thiết. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy người tiêu dùng tự nguyện chuyển đổi từ xe xăng sang xe máy điện.
Đọc bài gốc tại đây.