Chưa có sự cố nghiêm trọng xảy ra với máy bay C909
Liên quan tới việc Hãng hàng không Vietjet đề xuất đưa 2 máy bay ARJ21- 700 ( COMAC C909 ) do Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc sản xuất vào khai thác tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về loại máy bay này.
Theo đó, từ ngày 15 – 24/1 Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc ( CAAC ) để tìm hiểu về máy bay C909.
Cục HKVN cho biết, C909 là loại máy bay phản lực chở khách tầm ngắn đến trung bình, có sức chứa từ 78-95 hành khách với tốc độ hành trình khoảng 825km/h. Nhiên liệu của máy bay theo tiêu chuẩn GB6537, chiều dài thân máy bay là 33,46m, sải cánh đạt 27,29m, chiều cao 8,4m và có trọng lượng cất cánh tối đa 40,5 tấn.

Cận cảnh một chiếc máy bay COMAC C909. Ảnh: COMAC.
Trang thiết bị chính lắp trên máy bay gồm hai động cơ GE CF34-10A của General Electric (Mỹ) và Landing gear của Liebherr Aerospace (Pháp). Trong số 22 nhà sản xuất thiết bị gốc quan trọng thì có 3 nhà sản xuất của Trung Quốc và chiếm 13,6%.
Đặc biệt, hệ thống quy chế an toàn của Trung Quốc đối với C909 được thiết lập các phần tương tự như cách tổ chức của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Tính đến ngày 5/1 vừa qua, 160 máy bay C909 đã được cung cấp cho tổng cộng 12 hãng hàng không bao gồm 11 của Trung Quốc và 1 của Indonesia.
C909 đã chuyên chở tổng cộng hơn 19,16 triệu hành khách trên tổng cộng 633 đường bay tới 158 thành phố, 181 sân bay với giới bay tích lũy tổng là hơn 550.000 giờ bay và hơn 330.000 lượt cất hạ cánh. Qua dữ liệu báo cáo của COMAC, không có tai nạn hay sự cố nghiêm trọng nào xảy ra với máy bay C909 kể từ khi đi vào hoạt động. Giờ bay trung bình khai thác của C909 hàng ngày trong năm ngoái vào khoảng 5,2 giờ với độ tin cậy đạt khoảng hơn 99%.
“Cứu cánh” trong bối cảnh thiếu máy bay
Để đưa máy bay COMAC vào khai thác, Cục HKVN đã báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng; một số điều Thông tư số 1/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay theo hướng công nhận các tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay của Trung Quốc, làm cơ sở cho nhập khẩu máy bay vào Việt Nam.
Hiện Cục HKVN đã đăng ký bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện. Sau khi đảm bảo các quy định pháp lý về công nhận tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay, Cục HKVN sẽ công nhận Giấy chứng nhận loại (TC) đối với máy bay COMAC.
Theo đó, với máy bay thuê ướt bởi các hãng HKVN, Cục HKVN sẽ công nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của từng máy bay COMAC cụ thể và thực hiện quy trình đánh giá thừa nhận hiệu lực Giấy chứng nhận Người khai thác máy bay nước ngoài theo quy định tại Bộ quy chế an toàn hàng không.

Việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc là cơ sở cho việc tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh thiếu hụt máy bay. Ảnh: COMAC.
Trường hợp máy bay thuê khô bởi các hãng HKVN, Cục HKVN sẽ bổ sung loại máy bay mới vào giấy chứng nhận Người khai thác máy bay của các hãng HKVN và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của từng máy bay COMAC cụ thể. Cục HKVN sẽ kiểm tra, giám sát an toàn trao đổi, thống nhất với CAAC về trách nhiệm và chuyển giao trách nhiệm giám sát an toàn khi cần thiết đối với máy bay thuê ướt.
Đối với máy bay thuê khô, thực hiện theo quy định của Bộ Quy chế an toàn hàng không và các quy định khác của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Cục HKVN đánh giá các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trong các nhãn mác trên máy bay.
Việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc là cơ sở cho việc tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh thiếu hụt máy bay, khó khăn trong việc mở rộng đội bay, đường bay và tạo một dư địa, động lực phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cho biết thời gian qua do đại dịch COVID -19 và chiến sự xảy ra trên một số khu vực đã ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp vật tư, khả năng cung cấp máy bay đầy đủ, đúng hạn từ các nhà sản xuất máy bay truyền thống như Airbus, Boeing và Embraer (được FAA và EASA cấp giấy chứng nhận loại). Ngoài ra, do ảnh hưởng của lệnh triệu hồi đối với động cơ Pratt & Witney đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khai thác máy bay của Việt Nam.
Đọc bài gốc tại đây.