Trang chủ XeXe & Đời Sống Lương mấy chục triệu vay nợ mua ô tô: Giờ chỉ muốn bán đi

Lương mấy chục triệu vay nợ mua ô tô: Giờ chỉ muốn bán đi

bởi Admin
0 Lượt xem

Giá ô tô không ngừng tăng và nhu cầu sở hữu một chiếc xe để tiện đi lại, nhiều người trẻ sẵn sàng vay nợ để biến ước mơ thành hiện thực. Nhưng không phải ai cũng lường trước được những khó khăn tài chính khi gánh trên vai món nợ lớn.

Dưới đây là câu chuyện của hai bạn trẻ từng vay tiền mua ô tô, nhưng giờ đây chật vật với áp lực trả nợ.

1. Hà Anh (25 tuổi, TP.HCM)

Mình quyết định vay tiền mua ô tô cách đây hơn 1 năm, vào khoảng tháng 2/2024. Lúc đó, mình đang làm nhân viên marketing cho một công ty truyền thông ở quận 1, lương cứng mỗi tháng 25 triệu đồng, cộng thêm các khoản làm thêm từ viết content freelance khoảng 10-12 triệu nữa. Với tổng thu nhập dao động 35-37 triệu đồng, mình tự tin rằng việc trả góp mỗi tháng tầm 12-15 triệu là hoàn toàn nằm trong khả năng.

Mình nhắm đến chiếc xe ô tô có giá niêm yết 839 triệu. Sau khi thương lượng với đại lý, mình đặt cọc và vay ngân hàng 550 triệu đồng, trả trước 289 triệu từ tiền tiết kiệm tích lũy được sau 3 năm đi làm. Hợp đồng vay kéo dài 5 năm, lãi suất ban đầu là 7,9%/năm, tương ứng với khoảng 13,5 triệu đồng tiền gốc lẫn lãi mỗi tháng. Lúc ký hợp đồng, mình phấn khởi lắm, nghĩ rằng sở hữu một chiếc xe hơi ở tuổi 25 là thành tựu lớn, vừa tiện đi làm, vừa thoải mái cuối tuần vi vu với bạn bè, lại khẳng định được bản thân giữa đám đông.

Nhưng giờ thì mọi thứ đảo lộn hoàn toàn. Đầu năm 2025, công ty mình cắt giảm nhân sự vì kinh tế khó khăn, lương cứng của mình giảm còn 20 triệu đồng. Công việc freelance cũng không còn đều đặn như trước, có tháng chỉ kiếm được 5-7 triệu, có tháng thậm chí chẳng có đồng nào. Tổng thu nhập giờ chỉ còn khoảng 25-27 triệu đồng, trong khi tiền trả góp ngân hàng vẫn cố định ở mức 13,5 triệu. Chưa kể chi phí bảo dưỡng xe, xăng xe, bảo hiểm – mỗi tháng ngốn thêm tầm 3-4 triệu nữa. Tiền tiết kiệm từng tích lũy gần 100 triệu giờ đã cạn kiệt vì phải bù vào những tháng thiếu hụt. Có lần, mình phải mượn bạn thân 10 triệu để trả nợ đúng hạn, tránh bị ngân hàng phạt lãi quá hạn.

Nhìn chiếc xe đỗ trước nhà, mình không còn thấy tự hào nữa, chỉ thấy áp lực đè nặng. Có hôm lái xe đi làm, mình còn nghĩ thầm: “Hay giờ bán đi cho xong nợ?”.

- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Minh Tuấn (32 tuổi, TP. Hà Nội)

Gia đình mình quyết định vay tiền mua ô tô vào giữa năm 2023, khi vợ chồng mình vừa đón đứa con thứ hai. Mình làm kỹ sư xây dựng, lương tháng 30 triệu đồng, còn vợ mình làm kế toán cho một công ty tư nhân, lương 15 triệu đồng. Tổng thu nhập 45 triệu mỗi tháng khiến mình tự tin rằng việc mua xe là hợp lý. Lý do chính là nhu cầu gia đình: nhà có hai con nhỏ – một bé 3 tuổi, một bé 6 tháng – cuối tuần hay dịp lễ Tết muốn đưa các con về quê Thái Nguyên thăm ông bà mà đi taxi hay xe khách thì bất tiện, tốn kém.

Mình nhắm đến chiếc xe ô tô có giá niêm yết 1,026 tỷ đồng. Sau khi thương lượng, mình vay ngân hàng 700 triệu đồng, trả trước 326 triệu từ tiền tiết kiệm và vay mượn thêm từ bố mẹ hai bên. Hợp đồng vay kéo dài 7 năm, lãi suất cố định 8,5%/năm trong 3 năm đầu, mỗi tháng trả khoảng 12,8 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Ý định ban đầu là vừa phục vụ gia đình, vừa tranh thủ chạy grab kiếm thêm thu nhập để bù vào tiền trả góp.

Nhưng giờ thì tài chính gia đình mình rơi vào cảnh rối loạn. Đầu năm 2025, công ty vợ mình phá sản, cô ấy mất việc, thu nhập gia đình giảm đột ngột còn 30 triệu đồng từ lương của mình. Chạy grab thì không còn ‘ngon’ như trước, mỗi tối chạy 3-4 tiếng chỉ kiếm được 200-300 nghìn, cả tháng may ra thêm 5-6 triệu. Trong khi đó, tiền trả góp ngân hàng vẫn đều đặn 12,8 triệu đồng, chưa kể chi phí nuôi hai con nhỏ: tiền học mẫu giáo cho bé lớn 3 triệu/tháng, tiền sữa, bỉm cho bé nhỏ 2,5 triệu/tháng, rồi tiền sinh hoạt gia đình khoảng 10 triệu nữa. Tổng chi phí mỗi tháng lên đến 28-30 triệu, có tháng vượt cả thu nhập. 

Chiếc xe từng là niềm tự hào giờ trở thành gánh nặng. Có lần vợ mình than thở: “Hay bán xe đi anh, chứ như thế này gia đình mình không chịu nổi”.

- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Học được gì sau lần vay nợ mua xe?

Hà Anh chia sẻ, để vượt qua gia đình này, cô nàng buộc phải thay đổi hoàn toàn cách sống. “Gần đây, mình liên hệ ngân hàng để xin giãn nợ, nhưng họ chỉ đồng ý giảm lãi suất xuống 7,5%/năm trong 6 tháng, tiền trả góp vẫn còn hơn 13 triệu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình quyết định rao bán chiếc xe với giá 720 triệu, chấp nhận lỗ 119 triệu so với giá mua ban đầu. Nếu bán được, mình sẽ trả hết nợ ngân hàng, còn dư chút vốn để bắt đầu lại. Dù tiếc nuối, mình không muốn tiếp tục sống trong cảnh nợ nần chồng chất”, cô nàng bộc bạch.

Cô chia sẻ thêm, bài học lớn nhất là đừng vội vàng chạy theo những thứ vượt quá khả năng tài chính. “Lúc mua xe, mình chỉ nghĩ đến niềm vui trước mắt: cảm giác cầm lái, sự tiện nghi, và ánh mắt trầm trồ của bạn bè. Nhưng mình không lường trước những rủi ro như mất thu nhập hay chi phí phát sinh từ xe. Giờ mình hiểu, muốn mua tài sản lớn như ô tô, ít nhất phải có70% tiền trong tay, còn lại mới vay, và phải dự phòng một khoản tiết kiệm cho tình huống xấu. Nếu không, chỉ một biến cố nhỏ cũng đủ khiến mình rơi vào thế bí. Sau lần này, mình quyết định quay lại đi xe máy, cần thì thuê xe tự lái, vừa rẻ vừa không áp lực”, Hà Anh nói.

Trong khi đó, vợ chồng Minh Tuấn nhận định bài học đắt giá nhất mà họ nhận được là cần tính toán hết các kịch bản tài chính nếu chấp nhận vay nợ mua tài sản lớn. “Lúc mua xe, mình nghĩ gia đình cần một chiếc xe để tiện nghi hơn, và bạn bè xung quanh ai cũng mua được, mình cũng phải cố. Nhưng mình không tính đến trường hợp xấu nhất: mất thu nhập, kinh tế khó khăn. Giờ mình khuyên ai muốn vay nợ mua xe thì hãy tính toán kỹ lưỡng, không chỉ dựa vào thu nhập hiện tại mà phải dự phòng ít nhất 6 tháng chi phí nếu có biến cố. Với gia đình mình, sau lần này, nếu có mua xe lần nữa, mình sẽ chọn xe cũ giá rẻ, trả tiền mặt, thay vì vay nợ dài hạn như thế này”, anh chàng bộc bạch.

- Ảnh 3.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan