Tôi là một người sử dụng ô tô để đi làm và đưa đón con hàng ngày trong trung tâm TP.HCM. Nhà tôi cách chỗ làm hơn 10 cây số. Việc di chuyển trong khoang xe kín giúp hai bố con tránh được khói bụi, tiếng ồn và cảm giác ngột ngạt. Mọi thứ đã trở thành thói quen, cho đến một ngày tôi phải gửi xe vào xưởng dịch vụ và đi làm bằng chiếc xe máy xăng đã cũ. Trải nghiệm tưởng như đơn giản ấy khiến tôi nhận ra nhiều điều.

Ảnh minh họa. Ảnh: Kenh14.
7h30 sáng, con ngồi trước, bố ngồi sau trên chiếc xe máy để bắt đầu hành trình quen thuộc từ TP. Thủ Đức vào quận 1. Đường phố vẫn đông đúc như thường lệ, nhưng lần này, hai bố con không được ngồi trong không gian kín, không điều hòa, không tách biệt với khói bụi.
Tôi không thể quên lúc dừng đèn đỏ phía sau chiếc Honda Winner. Chiếc xe đó có ống xả cao, phả từng đợt khói vào thẳng mặt hai bố con khiến tôi phải nhích sang bên cạnh để tránh làn khói. Âm thanh của những chiếc xe máy cũ nổ ì ạch, những chiếc xe bus, bán tải, SUV máy dầu xả khói đen kịt, tất cả điều đó khiến tôi thấy nóng rực. Dù đã đeo khẩu trang, tôi vẫn thấy như thể hít cả bầu trời bụi. Đó là lúc tôi thực sự thấu hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm giao thông.
Ngày 23/7, trong báo cáo gửi Đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính quyền thành phố ghi nhận ô nhiễm không khí tại TP.HCM chủ yếu liên quan đến bụi. Giao thông đường bộ được xác định là nguồn phát thải chính.

Ảnh minh họa. Ảnh: Kenh14.
Thống kê đến cuối 6/2025, TP.HCM trước khi sáp nhập đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và gần 8,6 triệu xe máy, chưa tính lượng lớn xe vãng lai ra vào thành phố. So với cùng kỳ 2024, số lượng ô tô tăng 9%, xe máy tăng 2%, gây áp lực lớn lên hạ tầng và môi trường.
Thành phố hiện duy trì hệ thống quan trắc thường xuyên tại 36 vị trí lấy mẫu liên tục trong 24 giờ để theo dõi bụi mịn PM10 và PM2.5. Kết quả quan trắc trong giai đoạn 2021-2024 cho thấy nhiều điểm vượt quy chuẩn như khu vực Phú Lâm (2024), giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh (2022), Cát Lái (2022-2023).

Ảnh minh họa. Ảnh: Kenh14.
Những con số này không còn là lý thuyết khi tôi trực tiếp trải qua cảm giác đó. Đô thị Việt Nam đang bị ô nhiễm nặng nề bởi phương tiện cá nhân chạy xăng dầu, đặc biệt là xe máy cũ nát, không còn đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Mỗi ngày, hàng triệu người vẫn đang hít thở thứ không khí nhiễm bụi mịn, NOx và CO – những tác nhân nguy hiểm gây hại đến sức khỏe đường hô hấp, tim mạch và thậm chí là ung thư.
Trong bối cảnh đó, các chính sách hạn chế xe xăng dầu trở thành điều tất yếu. Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố Dự thảo Nghị quyết đề xuất thí điểm hạn chế xe máy xăng trong khu vưc Vành đai 1 (từ 1/1 – 30/6/2026), và từ 1/7/2026 cấm hoàn hoàn xe máy xăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1. Từ 1/1/2028, mở rộng lệnh cấm đối với xe máy xăng/diesel và bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và Vành đai 2, hướng đến mục tiêu 2050 hạn chế toàn bộ xe cơ giới không phải phương tiện xanh trên cả thành phố.

Ảnh minh họa. Ảnh: Kenh14.
TP.HCM cũng có lộ trình hạn chế loại phương tiện này theo từng giai đoạn, dự kiến xây dựng các vùng phát thải thấp, nơi xe xăng sẽ bị cấm lưu thông trong giờ cao điểm từ năm 2027, và cấm hoàn toàn từ năm 2028. Song song đó, các giải pháp giao thông xanh như tàu điện, xe buýt điện, xe đạp công cộng vẫn đang được triển khai.
Ngày hôm đó, tôi ước xung quanh mình đều là xe điện. Loại phương tiện này không khói, không ồn và không mùi xăng dầu. Tưởng tượng thôi cũng thấy nhẹ nhõm. Người điều khiển xe máy không còn bị tra tấn bởi tiếng động cơ và khí thải, đồng thời giảm áp lực chi phí y tế liên quan đến các bệnh đường hô hấp.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, việc chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam có thể giúp giảm lượng khí phát thải ròng khoảng 2,2 triệu tấn CO2e vào năm 2050. Riêng phân khúc xe hai bánh, báo cáo chỉ ra rằng đến năm 2050, nếu Việt Nam theo kịch bản SPS (Sustainable Policy Scenario), lượng dầu thô tương đương tiết kiệm được sẽ là 4.502 thùng, còn theo kịch bản ADS (Accelerated Decarbonization Scenario), con số nhảy vọt lên 6.224 thùng.

Ảnh minh họa. Ảnh: Kenh14.
Đáng mừng là những thương hiệu ô tô, xe máy điện Việt như VinFast đang ngày càng phát triển và phổ cập dòng sản phẩm với mức giá hợp lý. Hạ tầng trạm sạc cũng được đầu tư mở rộng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Rào cản về giá, công nghệ và thói quen đang dần được tháo gỡ.
Trải nghiệm hôm đó đã gieo vào tôi một nhận thức mới: xe điện không chỉ là xu hướng, mà là hướng đi tất yếu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và làm sạch không gian sống cả thế hệ mai sau. Tôi tin rằng, sự chuyển mình sang giao thông xanh không còn là lựa chọn, mà sẽ là chuẩn mực của một thành phố đáng sống.
Nhận lại chiếc ô tô từ xưởng bảo dưỡng vào cuối ngày, tôi không khỏi suy nghĩ, liệu mình có nên tiếp tục né tránh thực tại đằng sau lớp kính dày và điều hòa mát, hay chủ động trở thành một phần của giải pháp?

Đọc bài gốc tại đây.