Thông tin vừa nêu nằm trong văn bản Bộ Tài chính gửi Vietnam Airlines để hướng dẫn về trình tự, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mua 50 máy bay thân hẹp.
Bộ Tài chính thông tin, trong đề xuất gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cơ quan này kết thúc hoạt động, Vietnam Airlines cho biết dự án vừa nêu có vai trò quan trọng, giúp đơn vị này đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra với vai trò là hãng hàng không quốc gia trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.
Theo đó, đội bay thân hẹp sẽ được Vietnam Airlines khai thác thị trường nội địa, các đường bay quốc tế có dung lượng thấp và tập trung chủ yếu vào mạng bay dưới 5 giờ bay.

Vietnam Airlines muốn đầu tư 93.000 tỷ mua 50 máy bay thân hẹp. Ảnh: VNA.
Vietnam Airlines dự kiến thực hiện bán và thuê lại 25 máy bay đầu tiên nhận trong giai đoạn 2028 – 2030, sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu kết hợp vay mua với tỷ lệ vay 50% giá mua máy bay đối với 25 máy bay còn lại nhận trong giai đoạn 2030 – 2031 nhằm giảm đáng kể áp lực về dòng tiền.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, theo quy định hiện hành tại Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với dự án có mức đầu tư lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản thì doanh nghiệp cần xin ý kiến Bộ Tài chính trước khi đại diện tham gia biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị.
Theo Bộ Tài chính, Vietnam Airlines cần phải báo cáo Thủ tướng trước để xem xét cho ý kiến. Khi dự án được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương thì Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và Vietnam Airlines mới thực hiện được thủ tục triển khai dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cần chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước.
“Dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp có tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng (lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo báo cáo tài chính quý IV/2024), thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Vietnam Airlines báo cáo, trình Thủ tướng xem xét cho ý kiến về chủ trương thực hiện dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện” – văn bản nêu rõ.

Vietnam Airlines đã có kế hoạch bổ sung đội máy bay thân hẹp từ cách đây vài năm để phục vụ nhu cầu vận chuyển trong tương lai và thay thế những máy bay đã cũ. Ảnh: VNA.
Được biết, Vietnam Airlines đã có kế hoạch bổ sung đội máy bay thân hẹp từ cách đây vài năm để phục vụ nhu cầu vận chuyển trong tương lai và thay thế những máy bay A321 Neo cũ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặc dù vậy, quá trình này gặp phải một số vướng mắc do đại dịch và quy định hiện hành.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất vừa công bố, năm 2024 Vietnam Airlines lãi cao nhất lịch sử. Cụ thể, hãng này đạt tổng doanh thu, thu nhập khác là hơn 113.700 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất gần 8.000 tỷ đồng , trong đó công ty mẹ lãi 2.775 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đạt được chủ yếu đến từ việc phục hồi ấn tượng của thị trường hàng không quốc tế; vận chuyển hành khách đạt hơn 22,7 triệu lượt; đàm phán thành công với đối tác xóa khoản nợ khoảng 4.710 tỷ đồng cho Pacific Airlines theo thỏa thuận trả máy bay.
Hiện tại Vietnam Airlines đang sở hữu đội bay có 102 máy bay (gồm 30 máy bay thân rộng) với mạng lưới đường bay đến 49 sân bay trên 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 máy bay, máy bay thân hẹp là 95 chiếc và 5 máy bay ATR. Đến năm 2035, hãng này dự kiến cần 52 máy bay thân rộng và 112 máy bay thân hẹp .
Năm nay, Vietnam Airlines sẽ mở mới và khôi phục 15 đường bay quốc tế đến các quốc gia như Nga, Ý, Đan Mạch, Trung Đông, Trung Quốc… với mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt khách và doanh thu hợp nhất dự kiến đạt hơn 119.150 tỷ đồng.
Đọc bài gốc tại đây.