Sôi động nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
“Xe cũ 0 km” không phải là một khái niệm mới.
Kể từ khi mô hình đại lý kinh doanh ô tô được du nhập vào thị trường trong nước từ những năm 1990, các nhà sản xuất và đại lý ô tô thường bán ra một số xe mới chưa bán được với giá thấp hơn giá thị trường thông thường để giải phóng hàng tồn kho.
Điều này vừa giúp tăng doanh số bán hàng của đại lý, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người mua ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, do tiêu chuẩn châu Âu (Euro) liên tục được cập nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc cũng liên tục nâng cấp sản phẩm và hệ thống.
Vì xe cũ không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn Euro, nên một số nhà sản xuất đã xử lý xe mới thành “xe cũ 0 km”. Những năm gần đây, do áp lực doanh số của đại lý và tình trạng tồn kho ứ đọng, hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến.
Với chất lượng gần như xe mới và giá cả tương đối thấp, “xe cũ 0 km” đã thu hút được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng. Tuy nhiên, xét về lâu dài, hiện tượng thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với các nhà sản xuất ô tô, sự xuất hiện của hiện tượng này không hoàn toàn là điều tốt. Việc lưu thông một lượng lớn “xe cũ 0 km” sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các nhà bán lẻ xe mới. Dữ liệu do Hiệp hội Lưu thông Ô tô Trung Quốc công bố cho thấy, năm 2024, tỷ lệ xe “đăng ký ≤ 3 tháng, số km ≤ 50 km” trên thị trường xe cũ chiếm tới 12,7%, tăng mạnh 7,2 điểm phần trăm trong 4 năm.
Điều này đồng nghĩa với việc cứ 8 chiếc xe cũ thì có 1 chiếc là xe mới vừa đăng ký đã được bán lại.
Quy mô thị trường khổng lồ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến doanh số và hệ thống giá của xe mới.
Hơn nữa, hệ thống giá thị trường hỗn loạn sẽ làm giảm niềm tin mua hàng của người tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy áp lực bán xe mới gia tăng, khiến các hãng xe phải áp dụng các chiến lược thị trường quyết liệt hơn, tiếp tục tác động và chèn ép ngành xe cũ.
Điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng to lớn đến “xe gần như mới”. Ngoài ra, “xe cũ 0 km” còn ảnh hưởng đến những chiếc xe cũ cùng tầm giá. Ví dụ, người tiêu dùng dự định mua một chiếc xe cũ với giá khoảng 50.000 Nhân dân tệ, nhưng khi “xe lướt 0 km” cùng mức giá có thể đáp ứng nhu cầu, họ thường sẽ chọn loại xe thứ hai.
Đối với người tiêu dùng, việc mua “xe cũ 0 km” tưởng chừng như được lợi, nhưng thực chất lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chế độ bảo hành và quyền lợi hậu mãi của “xe cũ 0 km” khác với xe mới. Những chiếc xe này chưa được sử dụng thực tế. Nhưng một khi đã được đưa ra thị trường dưới dạng xe cũ, chúng sẽ mất đi các quyền lợi bảo hành tương ứng.
Chẳng hạn, hầu hết các nhà sản xuất xe năng lượng mới đều quy định điều kiện bảo hành là “chủ xe đầu tiên”, do đó, nếu gặp sự cố về pin, động cơ, hệ thống điều khiển điện, v.v., chủ xe cũ chỉ có thể tự chi trả chi phí sửa chữa đắt đỏ.

Ngoài ra, một số thương nhân đã bán “xe cũ 0 km” ra thị trường nước ngoài, dẫn đến giá xe thấp bất thường, gây ra nghi ngờ về bán phá giá ở thị trường nước ngoài. Một số quốc gia thậm chí còn tăng thuế quan vì điều này.
Động thái này đe dọa lợi ích của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Đồng thời nó cũng không có lợi cho việc xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt của các doanh nghiệp xe hơi Trung Quốc.
Hành động của chính quyền
Trong một cuộc phỏng vấn, người phụ trách của một hãng xe cho biết “xe cũ 0 km” là một hình thức giảm giá trá hình trên thị trường ô tô, gây rối loạn trật tự thị trường bình thường, là biểu hiện nổi bật của sự “cạnh tranh nội bộ” trong ngành ô tô.
“Vì sự phát triển lành mạnh của ngành, cần phải kịp thời ngăn chặn, tránh rơi vào tình trạng khó khăn hơn”, vị này nhấn mạnh.

Theo ông Ngụy Kiến Quân – Chủ tịch Tập đoàn Great Wall Motor có tới 3.000 – 4.000 đại lý đang giao dịch những chiếc ‘xe cũ 0 km’ này.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp chấn chỉnh. Gần đây, Cục Xúc tiến Tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại đã triệu tập các doanh nghiệp xe hơi và các tổ chức ngành liên quan để tổ chức hội thảo, nhằm chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn của “xe cũ 0 km”, đồng thời định hướng xuất khẩu xe cũ.
Các biện pháp liên quan đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc “chống cạnh tranh nội bộ”.
Ngày 31 tháng 5, Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Trung Quốc đã ban hành “Sáng kiến về việc duy trì trật tự cạnh tranh công bằng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành”, trong đó nêu rõ ủng hộ doanh nghiệp tham gia cạnh tranh thị trường theo cách thức bình thường, kiên quyết phản đối “cuộc chiến giá cả” không giới hạn.
Sáng kiến này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin.
Người phụ trách liên quan của Bộ này cho biết “cuộc chiến giá cả không có người chiến thắng, càng không có tương lai”, đồng thời cho biết sẽ tăng cường chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh “nội bộ” trong ngành ô tô, thúc đẩy điều chỉnh, tối ưu hóa cơ cấu ngành, tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên tính nhất quán của sản phẩm, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện việc thực thi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ cũng sẽ áp dụng các biện pháp giám sát cần thiết, kiên quyết duy trì môi trường thị trường công bằng, có trật tự, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp ô tô.
Bích Câu
Theo Sina
Đọc bài gốc tại đây.