Trình cơ chế đặc thù cho tất cả các dự án đường sắt trong tháng 4
Ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố có các dự án đường sắt trên địa bàn.
Tại buổi họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2026.
Để đạt được mục tiêu này, về vốn, Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
4 nghị định của Chính phủ cũng được yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 5/2025. Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về thiết kế tổng thể kỹ thuật và các cơ chế đặc thù, đặc biệt; Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn được yêu cầu xây dựng quyết định của Thủ tướng về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã rất tích cực xem xét các đề nghị của Chính phủ liên quan phát triển ngành đường sắt, bao gồm: Nâng cấp, các tuyến đường sắt đã có; nối lại các tuyến đường sắt đã có trước đây đang gián đoạn; triển khai các dự án đường sắt lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TPHCM.
Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 172, số 187 và số 188 liên quan phát triển đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong tháng 9
Tại phiên họp, Bộ Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện 24 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành địa phương tại phiên họp lần thứ nhất (hôm 29/3/2025); tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Móng Cái; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về giải phóng mặt bằng cho các dự án, Thủ tướng nêu rõ, luật, cơ chế, chính sách đã có, các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc.
Đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong tháng 9 năm nay, để khởi công vào cuối năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, theo quy hoạch quốc gia, Bắc Ninh có 11 tuyến đường sắt đô thị chạy qua, tổng chiều dài khoảng 235 km. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, lên phương án hướng tuyến và thống kê các nhiệm vụ liên quan phục vụ việc xây dựng chủ trương đầu tư.
Đối với dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng chạy qua Bắc Ninh khoảng 2km, tỉnh đã khẩn trương rà soát, xác minh số liệu về diện tích giải phóng mặt bằng và chủ động vị trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bản đồ hướng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án – Ảnh: VGP
Đối với tuyến nhánh đấu nối từ dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, tỉnh đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Xây dựng để điều chỉnh, xác định hướng tuyến để tránh ảnh hưởng, phá vỡ không gian kiến trúc khu di tích lịch sử quốc gia – khu Lăng Sơn Cấm Địa (thuộc Thành phố Từ Sơn).
Về tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn chạy qua tỉnh Bắc Ninh khoảng 20 km, dự kiến khi nâng cấp sẽ tái định cư khoảng 200 hộ, tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 100ha, tỉnh Bắc Ninh đề xuất hướng tuyến theo QL1A để tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và đã có trong Quy hoạch tỉnh.
Ngay sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trao đổi, bàn thảo về phương án hướng tuyến và các nhiệm vụ liên quan đến công tác GPMB dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Ông Tuấn cũng yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu văn bản thành lập Ban chỉ đạo GPMB các dự án tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 28/4.
Đọc bài gốc tại đây.