Trang chủ Thời sựĐô thị Không phải chỉ vì diện tích, dân số, đây mới là lý do Thanh Hoá, Nghệ An không nằm trong diện sáp nhập

Không phải chỉ vì diện tích, dân số, đây mới là lý do Thanh Hoá, Nghệ An không nằm trong diện sáp nhập

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngày 10/4, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đảm bảo xác định chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ sở. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của cơ quan Trung ương cho cấp tỉnh, cấp cơ sở.

Đó là thông tin do ông Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ chia sẻ vào sáng ngày 10/4, tại buổi toạ đàm trực tuyến “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm” do báo Dân trí tổ chức. 

Tại buổi toạ đàm, ông Phan Trung Tuấn cho biết, về việc sắp xếp đơn vị hành chính không phải cách đây mấy tháng Bộ mới nghiên cứu mà từ Đại hội XIII của Đảng, vấn đề này đã đặt ra rồi. Quá trình xây dựng đề án vừa qua, Bộ thực hiện vừa khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng, cân nhắc. Các yếu tố để bảo đảm cho phương án sáp nhập sau này khả thi vì đã tính toán để đảm bảo thực hiện chiến lược đến cả trăm năm, thậm chí vài trăm năm.

Trong dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã do Bộ Nội vụ xây dựng, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên không thực hiện sắp xếp sáp nhập.

11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhắc lại về tiêu chí sáp nhập tỉnh thành, ông Tuấn cho rằng các địa phương này mới dừng lại ở việc xem xét tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số.

Không phải chỉ vì diện tích, dân số, đây mới là lý do Thanh Hoá, Nghệ An không nằm trong diện sáp nhập - Ảnh 1.

Ông Phan Trung Tuấn-Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) – Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, 2 yếu tố này chỉ là ban đầu, không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Yếu tố quyết định là làm sao tạo ra được nhiều dư địa phát triển tốt hơn trong tương lai.

Ông Tuấn dẫn chứng 2 tỉnh Thanh Hoà và Nghệ An không đề xuất sắp xếp trong giai đoạn này không phải chỉ vì yếu tố diện tích, dân số mà tính đến tiềm năng, lợi thế nội tại để phát triển địa bàn này đủ lớn, đủ rõ ràng để tạo động lực phát triển cho địa phương, cho một vùng.

Cụ thể, Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Đây là 1 trong 5 tiểu vùng của 6 vùng kinh tế. Đại diện Bộ Nội vụ ví von đây như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ miền núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, cao tốc…

Như đã nêu, không gian phát triển là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Các phương án phải tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố để đưa ra phương án tối ưu nhất.

Vụ trưởng Phan Trung Tuấn khẳng định thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mở rộng dư địa phát triển nhưng bảo đảm được chính quyền gần dân, sát dân.

2 địa phương được ví như “Việt Nam thu nhỏ” thế nào?

Không phải chỉ vì diện tích, dân số, đây mới là lý do Thanh Hoá, Nghệ An không nằm trong diện sáp nhập - Ảnh 3.

Những yếu tố cơ bản của 2 tỉnh Nghệ An – Thanh Hoá

Đồng tình với những vấn đề mà ông Tuấn trình bày, diễn giả Trần Ngọc Chính cho rằng bên cạnh những yếu tố kinh tế – kỹ thuật, khi thực hiện sáp nhập, cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố văn hóa – xã hội, truyền thống lịch sử của từng địa phương. Bởi theo ông đây là điều gắn bó mật thiết với tình cảm của người dân. Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định cho sự thành công của quá trình sáp nhập.

Cả hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đều được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” không chỉ bởi quy mô diện tích lớn mà còn nhờ vào sự đa dạng và đầy đủ các yếu tố địa lý – kinh tế – hạ tầng đặc trưng của đất nước hình chữ S.

Về địa hình, cả hai tỉnh đều có đầy đủ vùng núi, trung du, đồng bằng, ven biển và biên giới quốc tế – tương tự như bản đồ thu nhỏ của Việt Nam. Tỉnh Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.493,7 km², tiếp giáp nước bạn Lào ở phía Tây, có dải đồng bằng rộng lớn ven sông Lam, bờ biển dài khoảng 82 km cùng nhiều cửa sông, cảng cá. Tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 5 về diện tích (11.131,9 km²), cũng có đủ vùng núi phía Tây (huyện Quan Hóa, Quan Sơn), đồng bằng trù phú ven sông Mã, bờ biển dài hơn 100 km, và tiếp giáp biên giới Lào.

Không phải chỉ vì diện tích, dân số, đây mới là lý do Thanh Hoá, Nghệ An không nằm trong diện sáp nhập - Ảnh 4.

Phân tích các yếu tố, đặc điểm của Nghệ An, Thanh Hoá được tạo bởi AI

Về hạ tầng giao thông, cả hai tỉnh đều có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với cao tốc, đường sắt, sân bay, cảng biển. Sân bay Vinh (Nghệ An) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đều là sân bay nội địa lớn, có các đường bay nối Hà Nội, TP. HCM và các trung tâm lớn. Cảng biển lớn như cảng Cửa Lò (Nghệ An) và cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) không chỉ phục vụ vận tải hàng hóa mà còn đóng vai trò động lực cho phát triển công nghiệp ven biển. Tuyến cao tốc Bắc – Nam chạy qua cả hai tỉnh, cùng với quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc – Nam, tạo nên mạng lưới giao thông liên vùng mạnh mẽ.

Không phải chỉ vì diện tích, dân số, đây mới là lý do Thanh Hoá, Nghệ An không nằm trong diện sáp nhập - Ảnh 5.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước – Ảnh minh hoạ: Báo Nghệ An

Về kinh tế – xã hội, Thanh Hóa và Nghệ An đều có quy mô dân số lớn (mỗi tỉnh gần 3,5–3,7 triệu người), là trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa nổi bật với Khu kinh tế Nghi Sơn, một trong những khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với nhà máy lọc hóa dầu và hệ thống cảng biển công suất lớn. Trong khi đó, Nghệ An phát triển mạnh công nghiệp nhẹ, dịch vụ tại TP. Vinh và các khu công nghiệp như VSIP, Hoàng Mai. Cả hai địa phương cũng đều là vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa, có nhiều di tích quốc gia đặc biệt như Thành nhà Hồ, Khu di tích Kim Liên, và bãi biển du lịch nổi tiếng như Sầm Sơn, Cửa Lò.

Sự hiện diện đồng thời của miền núi, đồng bằng, biển, biên giới quốc tế, cùng hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và vai trò trung tâm vùng khiến Thanh Hóa và Nghệ An không chỉ là hai tỉnh lớn mà còn thực sự mang dáng dấp một “Việt Nam thu nhỏ” – hội tụ đủ tiềm năng và động lực phát triển toàn diện.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành

Tại Hội nghị Trung ương 11, sáng 10/4, Tổng Bí thư Tô Lâm thông báo về kế hoạch tái cấu trúc hành chính quy mô lớn, dự kiến giảm số tỉnh, thành xuống 34; không tổ chức cấp huyện và giảm một nửa đơn vị hành chính cấp xã, áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7.

Chính phủ ngày 7/4 cũng đã có Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Kế hoạch).

Theo kế hoạch nêu rõ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trước ngày 1/5, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án. Trước ngày 30/5, Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6. Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp thực hiện trước ngày 20/9.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan