Trang chủ Thời sựĐô thị 80 dự án 450.000 tỷ đồng – điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam chờ đón lập “kỳ tích” mới

80 dự án 450.000 tỷ đồng – điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam chờ đón lập “kỳ tích” mới

bởi Admin
0 Lượt xem

Ngày 19/4/2025 đánh dấu một cột mốc chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng quốc gia khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình trọng điểm trên toàn quốc. Từ điểm cầu trung tâm tại Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sự kiện được kết nối trực tuyến đến các công trình trải dài ba miền Bắc – Trung – Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 450.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Trong số 80 công trình, khánh thành 47 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân – Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáng chú ý, Nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất đã hoàn tất vượt tiến độ 2 tháng, sẵn sàng phục vụ hành khách đúng dịp lễ lớn của dân tộc.

Điều này sẽ tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự án này trong năm 2025.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quy mô và tính đồng bộ của các dự án lần này phản ánh một bước chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng thời hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại vào năm 2025. Các công trình như đường cao tốc Hà Nội – Vientiane, đường sắt Lào Cai – Hải Phòng, hay các sân bay Long Thành, Đồng Hới, Gia Bình… là minh chứng rõ rệt cho tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị cao độ trong việc mở rộng không gian phát triển quốc gia, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Lễ khởi công và khánh thành quy mô chưa từng có này không chỉ mang giá trị kinh tế, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và tự lực tự cường của đất nước. Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của đầu tư công trong dẫn dắt đầu tư tư nhân, và khẳng định “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”. Các công trình sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, mở rộng cơ hội kinh doanh, nâng cao chất lượng sống và định hình bộ mặt đô thị hiện đại của các địa phương.

Một số dự án tiêu biểu vừa được “bấm nút” trong ngày 19/4

Khởi công mới 33 dự án có quy mô lớn 305.000 tỷ đồng

Theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng.

Người đứng đầu chính phủ cũng đã bấm nút khởi công mới 33 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong cả nước như: Nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TPHCM; Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng; Trung tâm thương mại AEON Hải Dương; Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III; Bệnh viện đa khoa Cà Mau; kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề; khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TPHCM); một số khu nhà ở xã hội, tái định cư tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai…

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thực hiện nghi thức gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, các công trình trọng điểm kinh tế – xã hội được khởi công, khánh thành hôm nay trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị mà còn mang tính biểu tượng về lòng yêu nước và sự đồng lòng của toàn dân. Hàng vạn người dân đã sẵn sàng di dời, nhường đất, hiến nhà vì sự phát triển chung. Thủ tướng đặc biệt tri ân người dân tại các địa phương có dự án và khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để đảm bảo người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển mới, việc “ấn nút” cho 80 công trình lớn cùng lúc là hành động thể hiện bản lĩnh, quyết tâm và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ. Đó không chỉ là khởi đầu cho các dự án hạ tầng, mà còn là khởi đầu cho những kỳ vọng mới, một hành trình đưa Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan