Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tại Việt Nam trong 2 ngày 14 và 15/4, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cùng tham gia tháp tùng lãnh đạo Đảng, Chính phủ và ký kết các văn kiện quan trọng trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các văn kiện này góp phần vào sự thành công của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó có 2 văn kiện là điều ước quốc tế cấp Chính phủ, 2 thỏa thuận về vốn ODA giữa Chính phủ hai nước và 3 thỏa thuận cấp Bộ.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ Xây dụng đã ký bốn văn kiện
Bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về việc thành lập Ủy ban liên hợp Hợp tác đường sắt Việt-Trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án;
Biên bản làm việc giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) về khảo sát thực địa hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng của Việt Nam;
Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng;
Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Ảnh minh họa đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng bằng AI ChatGPT
Trong những năm gần đây, việc kết nối hạ tầng giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn được các lãnh đạo của hai quốc gia quan tâm sâu sắc. Đặc biệt, các văn kiện liên quan đến dự án đường sắt kết nối hai nước không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, mà còn là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và sự cam kết thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng.
Một trong những điểm nhấn trong hợp tác đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc là việc ký kết Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật trong việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đường sắt kết nối hai quốc gia, đặc biệt khi xem xét tầm quan trọng của các tuyến giao thông đối với sự phát triển kinh tế và thương mại giữa hai bên.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu về các văn bản thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Hữu Hưng/NLĐ
Dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc hoàn thành tuyến đường sắt này sẽ tạo ra một hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực.
Hiện tại, cả Việt Nam và Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy mạnh nhất cho dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025, mục tiêu hoàn thành vào năm 2030. Dự án dài khoảng 390,9 km, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố, khổ ray 1.435 mm (khổ tiêu chuẩn quốc tế), tốc độ thiết kế tối đa 160 km/h, tổng mức đầu tư là 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD.
Theo Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực đường sắt là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Lĩnh vực cấp bách này ở Việt Nam dự kiến trị giá đến hàng trăm tỷ USD.
Cụ thể, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ Xây dụng đã ký ba văn kiện
Bao gồm: Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về việc cùng xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam-Thiên Bảo, Trung Quốc;
Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước về việc đơn giản hoá thủ tục xuất, nhập qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam-Thiên Bảo, Trung Quốc cho nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng để cùng xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam-Thiên Bảo, Trung Quốc;
Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật đường bộ giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc.
Với văn kiện quan trọng liên quan đến việc xây dựng công trình giao thông qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết, từ đó sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực biên giới.
Những văn kiện này không chỉ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai các dự án đầu tư, mà còn đóng góp vào việc tăng cường giao thương và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước trong việc qua lại qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) và Thiên Bảo (Trung Quốc).

Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) và Thiên Bảo (Trung Quốc). Ảnh:UBND tỉnh Hà Giang
Điểm đặc biệt trong các văn kiện này là bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật đường bộ giữa hai Bộ Giao thông Vận tải của Việt Nam và Trung Quốc. Thỏa thuận này không chỉ nâng cao hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật đường bộ mà còn giúp xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chung, nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì các công trình giao thông. Qua đó, việc xây dựng các tuyến đường biên giới sẽ đạt được hiệu quả cao nhất về chất lượng và tiến độ.
Với việc ký kết các văn kiện hợp tác này, hai bên hy vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để giao lưu, hợp tác và phát triển lâu dài, góp phần vào sự thịnh vượng chung của hai quốc gia và thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực.
Tại báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng cho biết, kết quả tính toán sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đánh giá, với lĩnh vực đường bộ để đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng là đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc nên cần thiết phải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên đầu tư.
Đọc bài gốc tại đây.