GS Nguyễn Lân Dũng cho biết em trai của ông, PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời tại Bệnh viện ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, vài tháng sau khi phát hiện ung thư dạ dày.

PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84
PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là con thứ tư của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.
Ông là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học, chủ nhiệm các đề tài quốc gia về nghiên cứu, phục chế, tu bổ bốn nhục thân của Việt Nam tại chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn và chùa Phật Tích…
Với ông, khảo cổ học không đơn thuần là việc đào xới các di chỉ hay nghiên cứu di cốt khô cằn, mà là hành trình tìm về sự sống – nơi mỗi bộ hài cốt ẩn chứa một câu chuyện, một linh hồn cần được thấu hiểu, trân trọng và phục dựng.
Ông cũng là ổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam.
Trong lĩnh vực âm nhạc, ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony.
Ông có hơn 70 tác phẩm âm nhạc, gồm hợp xướng và các ca khúc chủ yếu viết cho thiếu nhi, Nguyễn Lân Cường từng giành 18 giải thưởng âm nhạc của Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, UNICEF, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư lệnh Hải quân.
Các ca khúc, nổi bật của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường có thể kể đến “Vị tướng của lòng dân”, “Về đi em”, “Bài ca về những người lính đảo”…
Ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Một trong những tác phẩm đáng tự hào của ông là sách “Bộ xương nói với bạn điều gì?” gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính ông vẽ.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường luôn mang một tinh thần sống lạc quan, nguồn năng lượng tích cực mà ông luôn lan tỏa trong mọi lĩnh vực ông theo đuổi.
Đọc bài gốc tại đây.