Trang chủ Thời sự - Xã hội Nối thông 4 thành phố ở tỉnh giàu nhất Việt Nam bằng đường sắt 56.301 tỷ đồng, công nghệ 120km/h góp mặt

Nối thông 4 thành phố ở tỉnh giàu nhất Việt Nam bằng đường sắt 56.301 tỷ đồng, công nghệ 120km/h góp mặt

bởi Admin
0 Lượt xem

Lập Hội đồng thẩm định Dự án tuyến metro Bình Dương – Suối Tiên

Thủ tướng Chính phủ gần đây đã ký ban hành Quyết định số 969/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn từ Thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên.

Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đồng thời Thứ trưởng Bộ Tài chính giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng bao gồm lãnh đạo các Bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, cùng đại diện UBND các địa phương có liên quan gồm TP.HCM và Bình Dương.

Bộ Tài chính được giao làm cơ quan thường trực của Hội đồng, đảm bảo hoạt động thẩm định được tiến hành chặt chẽ và đúng tiến độ.

Nối thông 4 thành phố ở tỉnh giàu nhất Việt Nam bằng đường sắt 56.301 tỷ đồng, công nghệ 120km/h góp mặt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa tuyến metro Bình Dương – Suối Tiên trong tương lai khi hoàn thành bằng AI

Quyết định số 969 cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên cũng như cơ quan thường trực theo đúng các điều khoản của Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Theo đó, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến trong thời hạn do cơ quan thường trực đề nghị. Trường hợp thành viên không phản hồi đúng hạn sẽ được coi là đồng thuận với nội dung lấy ý kiến, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc không trả lời.

Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ tiến hành hoàn thiện Báo cáo thẩm định dự án theo quy định, trong đó xác nhận tính đầy đủ, hợp lệ của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhằm làm cơ sở để Chính phủ phê duyệt và trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên được kỳ vọng là công trình giao thông trọng điểm góp phần phát triển kết nối vùng, nâng cao hiệu quả vận tải đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực Đông Nam Bộ.

Metro Bình Dương – Suối Tiên được thiết kế như thế nào?

UBND tỉnh Bình Dương trước đó đã cóTờ trình số 2299/Tr-UBND gửi Chính phủ, kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn từ Thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên.

Dự án có điểm đầu tại Ga S1, trung tâm Thành phố mới Bình Dương, thuộc phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một; điểm cuối kết nối với Ga Bến xe Suối Tiên thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP.HCM, nằm tại phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tuyến đường sắt đô thị chính dự kiến có chiều dài 29,01 km (không bao gồm đoạn nối đề-pô và đoạn nối dài 3,42 km), đi qua 4 thành phố thuộc tỉnh Bình Dương gồm Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.

Theo quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến metro sẽ được xây dựng trên cao, bắt đầu từ ga trung tâm Thành phố mới Bình Dương (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM – Lộc Ninh). Tuyến đi theo trục đường Hùng Vương đến giao lộ với đường ĐX.01, tiếp tục theo đường ĐX.01 đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn và song song với tuyến đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh, Trảng Bom – Hòa Hưng, đến ga Suối Tiên.

Tuyến metro này sẽ kết nối trung tâm Thành phố mới Bình Dương với các khu vực Thuận An, Dĩ An và khu du lịch Suối Tiên, đồng thời liên kết với tuyến metro số 1 (Suối Tiên – Bến Thành) của TP.HCM, tạo thành mạng lưới đường sắt đô thị liên vùng quan trọng trong khu vực Đông Nam Bộ.

Nối thông 4 thành phố ở tỉnh giàu nhất Việt Nam bằng đường sắt 56.301 tỷ đồng, công nghệ 120km/h góp mặt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa tuyến metro Bình Dương – Suối Tiên trong tương lai bằng AI

Về mặt kỹ thuật, tuyến đường sắt đô thị số 1 được thiết kế là tuyến đường đôi, với khổ ray 1.435 mm, hệ thống điện khí hóa, vận hành ở tốc độ thiết kế 120 km/h. Hệ thống đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán (EMU), gồm 19 ga, khoảng cách giữa các ga trung bình là 1,7 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 56.301 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.679 tỷ đồng; chi phí xây dựng 20.265 tỷ đồng; chi phí thiết bị 15.287 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 5.333 tỷ đồng; dự phòng tài chính 8.737 tỷ đồng.

Về phương án huy động vốn, UBND tỉnh Bình Dương đề xuất đa dạng nguồn lực gồm ngân sách nhà nước Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, ngân sách tỉnh dự kiến đóng góp 21.654 tỷ đồng (chiếm 39%), nguồn vốn từ mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) là 23.387 tỷ đồng (41%), và sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 11.260 tỷ đồng (20%).

Lộ trình triển khai dự án dự kiến gồm các giai đoạn: phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý II năm 2025; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi trong khoảng quý II/2025 đến quý II/2026; lựa chọn nhà thầu EPC từ quý III/2026 đến quý I/2027; tiến hành giải phóng mặt bằng từ quý II/2027 đến quý II/2028; khởi công xây dựng và hoàn thành công trình dự kiến từ quý II/2027 đến năm 2031.

Việc phát triển tuyến metro số 1 cùng các dự án metro trong tương lai được kỳ vọng sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong hệ thống giao thông công cộng hiện đại tại Bình Dương, đồng thời tăng cường kết nối hiệu quả với TP.HCM.

Khi đi vào hoạt động, tuyến metro sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực trọng điểm, mang lại tiện ích thiết thực cho người dân.

Đặc biệt, dự án được phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), hướng tới xây dựng đô thị gắn liền với mạng lưới giao thông công cộng hiện đại. Mô hình này đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, không chỉ tối ưu hóa sử dụng đất mà còn gia tăng giá trị bất động sản quanh các nhà ga, thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Hệ thống metro hiện đại cũng góp phần bảo vệ môi trường khi giảm lượng khí thải từ các phương tiện cá nhân, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng. Các tuyến metro tương lai sẽ là yếu tố quan trọng kiến tạo diện mạo đô thị mới tại Bình Dương, hướng tới không gian sống văn minh, năng động và chất lượng cao.

Trong suốt nhiều năm, Bình Dương đã vươn mình từ một địa phương còn nhiều khó khăn trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội năng động bậc nhất cả nước. Bình Dương được biết đến là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam, nền công nghiệp phát triển mạnh, với nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước…

GRDP bình quân đầu người của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, cùng với tỷ lệ đô thị hóa cao và hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Cụ thể, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương cao nhất cả nước là 8,076 triệu đồng/tháng, vượt xa Hà Nội (6,423 triệu đồng/tháng) và TP.HCM (6,392 triệu đồng/tháng).

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đạt 8,29 triệu đồng/tháng, tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan