Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ dự tính giảm 18.449 biên chế cấp tỉnh, 110.786 biên chế cấp xã, 120.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Dự kiến, kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026-2030 của cả nước là khoảng 190.500 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ dự kiến ngân sách chi khoảng 22.000 tỷ đồng cho cán bộ, công chức cấp tỉnh thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi; chi khoảng 99.000 tỷ đồng cho người thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi cấp xã. Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho những người nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là khoảng 6.600 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí dự kiến chi cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi do sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là khoảng 127.600 tỷ đồng.

Công chức TP.HCM hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong đó có 6 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM) và 28 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).
Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu).
Trong đó có 3.193 đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã và 128 đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên), giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã (từ 10.035 xuống còn 3.321) so với trước khi sắp xếp (đạt tỷ lệ giảm 66,91%).
Đọc bài gốc tại đây.