Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đáng chú ý, chỉ thị quy định về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, hồi tháng 2. (Ảnh: TTXVN)
Với Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương , Bộ Chính trị quy định có không quá 39 người trong ban chấp hành.
Ban thường vụ không quá 17 người, định hướng cơ cấu gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là Bí thư Đảng ủy; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; một lãnh đạo cấp phó là bí thư đảng ủy các ban, cơ quan đảng Trung ương (Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Tuyên giáo và Dân vận, Nội chính, Chính sách và chiến lược, Văn phòng), Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, một lãnh đạo TAND Tối cao, một lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 2-3 Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách.
Bộ Chính trị cũng quy định số lượng Phó Bí thư gồm: 1 Phó Bí thư Thường trực và 2-3 Phó Bí thư chuyên trách.
Với Đảng bộ Chính phủ , Chỉ thị số 45 nêu rõ số lượng ban chấp hành không quá 61 người.
Ban thường vụ không quá 17 người, định hướng cơ cấu gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng là Bí thư Đảng ủy; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ; 2-3 Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách và một số cơ cấu khác do Đảng ủy Chính phủ đề xuất.
Theo quy định của Bộ Chính trị, số lượng Phó Bí thư gồm: 1 Phó Bí thư Thường trực và 2-3 Phó Bí thư chuyên trách.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)
Với Đảng bộ Quốc hội , Bộ Chính trị quy định ban chấp hành đảng bộ tối đa 43 người.
Ban thường vụ không quá 21 người, định hướng cơ cấu gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội là Bí thư Đảng ủy; Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; các Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước; 2-3 Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách và cơ cấu khác do Đảng ủy Quốc hội đề xuất.
Số lượng Phó Bí thư gồm: 1 Phó Bí thư Thường trực và 2-3 Phó Bí thư chuyên trách.
Với Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương , Bộ Chính trị nêu rõ Ban chấp hành không quá 45 người.
Ban thường vụ không quá 15 người, định hướng cơ cấu gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là Bí thư Đảng ủy; Ủy viên Trungương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội; 2-3 Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách và cơ cấu khác do Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương đề xuất.
Số lượng Phó Bí thư gồm: 1 Phó Bí thư Thường trực và 2-3 Phó Bí thư chuyên trách.
Bộ Chính trị lưu ý sau Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị sẽ chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2025-2030 của 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Trường hợp thật sự cần thiết, Bộ Chính trị xem xét tăng thêm số lượng phó bí thư chuyên trách của 4 đảng bộ để bố trí, sắp xếp cán bộ.
Đọc bài gốc tại đây.