Khi ghé thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phường Hòa Bình tỉnh Phú Thọ (trước đây là phường Tân Thịnh, ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), khách tham quan dễ dàng nhìn thấy một khối bê tông đặc biệt tại sân nhà Điều độ Trung tâm. Trên tấm biển gắn vào khối bê tông có dòng chữ khắc bằng hai thứ tiếng Việt – Nga: “Thư gửi các thế hệ mai sau – mở vào ngày 1/1/2100”. Mọi người thường gọi đây là bức thứ 100 năm, tuy nhiên thực tế thời gian từ khi nó được cất giữ đến khi mở là 117 năm.
Lá thư được cuộn trong ống đồng, đặt vào khối bê tông nặng đến 10 tấn, đến nay đã 42 năm tuổi. Đây là chứng tích sống động của một thời kỳ gian khó xây dựng nên công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và cũng là lời nhắn gửi từ những người thế hệ trước đến thế hệ tương lai.

Bức thư được cất trong khối bê tông nặng khoảng 10 tấn đặt tại sân nhà Điều độ Trung tâm trong khuôn viên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Tuyên Quang Online)
Truyền thống lâu đời từ xứ Bạch Dương
Tập quán viết thư gửi thế hệ tương lai là truyền thống lâu đời trong ngành Thủy điện của Liên Xô. Vào những thời khắc trọng đại như khi ngăn sông, đổ bê tông khối móng đầu tiên, lắp đặt tổ máy cuối cùng… các chuyên gia thường thực hiện một nghi thức đặc biệt là viết thư gửi các thế hệ tương lai và đặt thư vào trong khối bê tông tại hiện trường.
Ông Pavel Timofeevich Bogachenko, chuyên viên Liên Xô tại công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là người khởi xướng ý tưởng này ngay sau khi hoàn thành đợt ngăn sông Đà lần hai năm 1983. Sau khi nghe đề xuất, ông Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng đã đồng ý.
Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Hòa Bình quyết định sẽ đặt bức thư đó vào lòng khối bê tông trong khuôn viên nhà máy. Đây được xem là sự điều chỉnh hợp lý để bức thư được lưu giữ lâu dài và thuận tiện cho việc mở ra sau này.
Mốc mở thư vào ngày 1/1/2100 không phải được chọn ngẫu nhiên. Theo chia sẻ của Tổng chỉ huy công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình, ông Ngô Xuân Lộc thì đây là mốc thời gian “đủ xa” để tất cả những người tham gia xây dựng công trình đều không còn sống, nhằm đảm bảo tính “gửi hậu thế” thực sự của bức thư.
Ngoài ra, theo dự báo kỹ thuật, đến năm 2100, bùn tích tụ tại lòng hồ sẽ lên tới 56m, buộc phải tiến hành nạo vét hoặc đại tu công trình.

Tấm biển song ngữ Việt – Nga gắn trên khối bê tông. (Ảnh: Tuyên Quang Online)
Buổi lễ đặc biệt giữa công trường
Chiều 30/1/1983, tại sân nhà Điều độ Trung tâm, một buổi lễ trang trọng được tổ chức với sự tham gia của 250 đại biểu thanh niên Liên Xô, 350 đại biểu thanh niên Việt Nam và hàng ngàn công nhân lao động trên công trường. Sự kiện còn có sự góp mặt của nữ phi hành gia Svetlana Savitskaya, người phụ nữ đầu tiên bước ra ngoài không gian.
Ông Ngô Xuân Lộc, tổng chỉ huy công trình, là người đọc bản tiếng Việt của bức thư. Ông Giaseplin, Bí thư Đoàn chuyên gia Liên Xô, đảm nhiệm việc dịch và đọc bản tiếng Nga của bức thư trong buổi lễ.
Sau khi đọc xong, hai bản viết tay được đặt vào một ống đồng kín rồi đặt vào khối bê tông nặng 10 tấn. Phía ngoài khối bê tông là một tấm biển kim loại khắc dòng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Nga: “Thư gửi các thế hệ mai sau – mở vào ngày 1/1/2100″.
Bốn người được chọn vặn ốc vít để cố định tấm biển vào khối bê tông cũng mang ý nghĩa biểu tượng, bao gồm: Đại diện cho người già là ông Bogachenko, chuyên gia cao tuổi nhất phía Liên Xô; đại diện cho người trẻ là ông Vũ Mão khi đó giữ chức vụ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện cho nam giới và yếu tố đất là ông Ngô Xuân Lộc, Tổng chỉ huy công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình; đại diện cho nữ giới và yếu tố trời là nữ phi hành gia Svetlana Savitskaya.
Nội dung bức thư được biên soạn bởi trí tuệ tập thể gồm các cán bộ lãnh đạo, cán bộ ngành điện, phiên dịch tiếng Nga – Việt. Thư được viết bằng mực tàu, trên giấy chuyên dụng nhập từ Liên Xô. Hai bản tiếng Việt, tiếng Nga được đóng kín trong ống đồng, hàn chặt, tránh ẩm mốc và được kỳ vọng có thể trường tồn suốt 117 năm.
Một số đoạn nội dung đã được ông Đỗ Xuân Duy, Trưởng ban phiên dịch tiếng Nga, người trực tiếp biên tập và biết rõ nội dung thư gốc công bố công khai như sau:
“Hôm nay, trước núi Tản, sông Đà, những Sơn Tinh của thời đại mới – người xây dựng Thủy điện Hòa Bình Việt Nam và Liên Xô – xin gửi đến các thế hệ trẻ Việt Nam mai sau những dòng tâm huyết…”.
“Thế hệ chúng tôi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, nhưng vẫn chắt chiu và quyết tâm xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, biểu tượng tốt đẹp của tình hữu nghị Việt – Xô cho đời đời con cháu mai sau”.
“Hòa Bình – tên gọi công trình chúng tôi – là biểu tượng của khát vọng hòa bình, của sức mạnh nhân dân và của tinh thần lạc quan vươn tới tương lai”.
“Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đời đời bền vững. Chủ nghĩa Cộng sản nhất định thắng”.
Thế hệ kỹ sư, công nhân làm việc tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ngày nay mỗi khi đi qua sân nhà truyền thống vẫn thường dừng lại trước khối bê tông ấy. Một số người lặng lẽ đặt tay lên tấm biển kim loại như cách để kết nối với những người đi trước.
Lá thư nằm giữa sân thủy điện Hòa Bình không phải là một văn bản hành chính, cũng không phải một bức thư bình thường. Nó là nhịp cầu thời gian, nơi quá khứ gửi gắm tương lai, nơi một thế hệ từng hết mình xây dựng nên nhà máy đặt trọn niềm tin vào con cháu mình.
Sau hơn 40 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện vẫn là công trình thủy điện quan trọng nhất ở miền Bắc. Tổng công suất đã nâng lên 2.400 MW sau khi hoàn thành dự án mở rộng năm 2023.
Đọc bài gốc tại đây.