
Trọng tài Trần Đình Thịnh rút thẻ vàng tại V-League 2024-2025. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Mùa giải 2024-2025 ghi nhận 691 thẻ vàng được các trọng tài rút ra cho 14 CLB tham dự – trung bình 3,8 thẻ/trận. Trong khi đó, số thẻ đỏ là 46 – tức 0,26 thẻ/trận. Quay ngược bánh xe thời gian về V-League 2023-2024, tổng số thẻ vàng là 645, thẻ đỏ chỉ 29.
Vì sao số lượng thẻ phạt lại tăng?
Có nhiều nguyên nhân cộng hưởng, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc công nghệ VAR đã được áp dụng rộng rãi tại V-League 2024-2025. Việc tăng cường thêm 2 xe VAR so với mùa giải trước giúp Ban tổ chức đảm bảo tính công bằng cho các trận đấu. Khi đối diện tình huống khó, “vua áo đen” sẽ được VAR hỗ trợ. Từ đó, những động tác thừa từ cầu thủ khó lọt khỏi con mắt camera giám sát được lắp đặt trên sân. Đa phần sau khi kiểm tra lại tình huống, trọng tài thường kèm theo thẻ phạt cho cầu thủ phạm lỗi.
Trọng tài cũng được khuyến khích rút thẻ để ngăn chặn những “cái đầu nóng” trên sân, nhất là khi bị thành viên CLB gây áp lực. Giải đấu chứng kiến nhiều lần trọng tài rút thẻ đỏ để truất quyền chỉ đạo của HLV trưởng. Vì thế, lịch sử V-League lần đầu tiên xuất hiện một trận đấu mà hai CLB ra sân không có “thuyền trưởng” đứng ngoài đường biên. Các đội TPHCM, CAHN, Thanh Hóa, HAGL, Bình Dương… từng bị Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ít nhất một lần phạt tiền do có từ 5 cầu thủ nhận thẻ vàng trong một trận đấu.
Ngoài ra, việc các cầu thủ phạm lỗi chiến thuật cũng là một yếu tố làm tăng số lượng thẻ phạt. Giống như các giải đấu hàng đầu thế giới, ở V-League chỉ đội trưởng mới được phép trao đổi với trọng tài sau một tình huống cắt còi, nên một số cầu thủ vì không giữ được sự bình tĩnh đã phải lĩnh thẻ.
Thẻ phạt tăng là điều đáng suy ngẫm trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp cho giải đấu và các CLB tham dự. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc V-League 2024-2025 nhuốm màu bạo lực.
26 vòng đấu đã qua, Ban Kỷ luật VFF không nhiều lần phải xem lại băng ghi hình trận đấu để đưa ra án phạt “nguội”. Đa phần các quyết định kỷ luật liên quan đến hành vi cư xử không chuẩn mực với lực lượng làm nhiệm vụ trong trận đấu (tổ trọng tài).
Nặng nhất có lẽ là trường hợp của hậu vệ Lê Quang Hùng (Đà Nẵng), bị phạt 15 triệu đồng và đình chỉ 2 trận do cố tình xâm phạm thân thể Lê Xuân Tú (Hà Nội FC). Tuy nhiên, Quang Hùng đã thể hiện sự ăn năn bằng việc chủ động hỏi thăm Xuân Tú cũng như xin lỗi người hâm mộ. Từ hành động của Quang Hùng có thể thấy các cầu thủ luôn ý thức được việc bảo vệ đôi chân của đồng nghiệp cũng như của chính mình. Không ai muốn tự đổ đi “chén cơm” của mình rồi sau đó bị cả cộng đồng lên án.
V-League mùa giải nào cũng chứng kiến sự ồn ào đằng sau những tấm thẻ được trọng tài rút ra. Tất nhiên, những người làm công tác chuyên môn lẫn cổ động viên đều không mong muốn những tiêu cực này xuất hiện. Bóng đá là môn thể thao đối kháng, va chạm là điều khó tránh, nhưng giải quyết vấn đề bằng sự văn minh, tử tế mới là điều đáng trân trọng.
Đọc bài gốc tại đây.