Trang chủ Thể thaoThể thao Việt Nam Tuyển Việt Nam vô địch, V.League vẫn xảy ra chuyện ngược đời: VFF, VPF nhìn con số có thấy giật mình?

Tuyển Việt Nam vô địch, V.League vẫn xảy ra chuyện ngược đời: VFF, VPF nhìn con số có thấy giật mình?

bởi Admin
0 Lượt xem

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

“Trọng tài đã xé nát trận đấu”; “Vấn nạn trọng tài cứ như thế này, bóng đá Việt Nam sẽ đi xuống”; “Tôi không trân trọng vị trọng tài điều khiển trận đấu này”… đó là hàng loạt phát ngôn thể hiện sự bức xúc của các HLV V.League trong những ngày qua khiến dư luận dậy sóng.

Vòng 13 V.League 2024/25 diễn ra với hàng loạt tranh cãi về vấn đề trọng tài. Điều này càng khiến dư luận có cái kém thiện cảm hơn với giải đấu. Và trên thực tế, đây không phải đánh giá mang tính cảm xúc mà đều có thể đo lường trực quan bằng những con số.

- Ảnh 1.

Vì sao các HLV lại phản ứng trọng tài gay gắt đến vậy?

Thống kê từ ban tổ chức cho thấy sau 13 vòng đấu mùa này, lượng khán giả đến sân là 417.400 người, trung bình 4.690 người/trận. Con số này chỉ bằng khoảng trên dưới 70% so với những mùa giải gần đây.

Cụ thể, tại V.League 2023/24, cũng sau lượt đi, lượng khán giả đến sân là 571.900 người, trung bình 6.285 người/trận; còn tại mùa giải 2023, lượng khán giả đến sân là 634.700 người, trung bình 6.865 người/trận sau 13 vòng đấu.

Có thể thấy, số lượng CĐV đến sân xem V.League đang giảm đi sau mỗi mùa. Đây là điều thực sự đáng lưu tâm, bởi đây có thể coi là thước đo trực quan phản ánh chất lượng giải đấu trong mắt người hâm mộ.

Những tưởng sau chức vô địch AFF Cup 2024 của tuyển Việt Nam, V.League sẽ có thể kéo khán giả tới sân đông hơn. Tuy nhiên đáng buồn thay, mọi thứ lại diễn ra ngược lại.

- Ảnh 2.

Hình ảnh vắng vẻ đến quen thuộc trên khán đài V.League mùa này.

ĐỘI BÓNG, TRỌNG TÀI, BTC GIẢI, LỖI THUỘC VỀ AI?

Hình ảnh những khán đầy chật kín khán giả tại sân Việt Trì hóa ra lại phản ánh một thực trạng đáng lo của bóng đá Việt Nam, nơi người hâm mộ sẵn sàng chi hàng triệu đồng để mua vé “chợ đen” đắt gấp nhiều lần giá gốc, nhưng lại ngại ngần trong việc bỏ ra 50.000 – 100.000 đồng để tới xem một trận đấu tại V.League.

Trong khi đó, ai ai cũng đều hiểu rằng hệ thống các giải VĐQG chính là nền tảng cốt lõi của một nền bóng đá. Chiến thắng của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024 xoa dịu đi nỗi buồn của người hâm mộ trong hơn 1 năm bết bát trước đó của ĐTQG, nhưng rồi mọi thứ cũng nhanh chóng qua đi. Giải đấu kết thúc, các tuyển thủ quay trở lại CLB và rồi lại tiếp tục thi đấu tại những khán đài vắng khán giả.

Câu hỏi đặt ra là vì đâu V.League lại dần giảm sức hút trong mắt người hâm mộ đến vậy?

- Ảnh 3.

Bóng đá Việt Nam chỉ chật kín khán đài ở những trận đấu của ĐTQG.

Thống kê cho thấy từ đầu mùa, tổng số bàn thắng các đội ghi được là 199, trung bình 2,24 bàn/trận. Con số này đều thấp hơn trung bình ở lượt đi 3 mùa mùa gần nhất (V.League 2022: 2,29 bàn/trận; V.League 2023: 2,46 bàn/trận; V.League 2023/24: 2,53 bàn/trận).

Lượng bàn thắng ghi được ít hơn, ngoại binh chất lượng giảm đi, lại cộng thêm không ít những câu chuyện lùm xùm về vấn đề trọng tài, mặt cỏ… Mọi thứ cộng dồn lại khiến hình ảnh V.League ngày càng trở nên kém hấp dẫn trong mắt người hâm mộ.

Nổi cộm trong số đó là vấn đề trọng tài. Việc các CLB Đà Nẵng và CLB Thanh Hóa gửi công văn đề đề nghị ban tổ chức xem xét lại các quyết định của trọng tài ở vòng 13 cho thấy sự bức xúc của các đội bóng với cách trọng tài điều khiển trận đấu. Điều này tưởng như đã có thể được giảm bớt khi V.League mùa này gần như có VAR ở mọi trận đấu. Thế nhưng những tranh cãi vẫn nổ ra.

- Ảnh 4.

VAR đã có, nhưng cách trọng tài sử dụng VAR liệu đã thực sự chuẩn xác.

“Qua giai đoạn Lượt đi của Giải, BTC Giải ghi nhận tinh thần nỗ lực, hợp tác của các CLB, đã khắc phục nhiều khó khăn, phối hợp tốt với BTC Giải để hoàn thành công tác tổ chức thi đấu.

Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp, BTC Giải nhận thấy tại những vòng đấu cuối Lượt đi vừa qua, tình trạng một số cầu thủ và một số cầu thủ, quan chức CLB chưa nắm rõ các quy định của Luật, các nguyên tắc trong áp dụng VAR… dẫn đến các hành vi, thái độ, phát ngôn phản ứng trọng tài quá mức ở trong và sau trận đấu dẫn đến phải nhận thẻ phạt hoặc các quyết định kỷ luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi tham gia thi đấu, làm nhiệm vụ tại các trận đấu của các CLB ở những vòng đấu tiếp theo”, VPF phát đi thông báo vào chiều qua (18/2).

Tuy nhiên trong thông báo này, việc thừa nhận công tác trọng tài còn thiếu sót và định hướng khắc phục lại không được đề cập đến. Cầu thủ, HLV, CLB sai phạm thì bị nhắc nhở, xử phạt, còn trọng tài mắc lỗi, gây ức chế cho các đội bóng thì sẽ xử lý ra sao?

Những hiệu ứng từ chức vô địch của tuyển Việt Nam đã qua đi. Giờ đây bóng đá nước nhà lại trở lại thực tại với những khán đài trống vắng. Và khi chất lượng chuyên môn chưa được cải thiện nhiều, giải đấu lại thêm ồn ào vì tranh cãi do trọng tài, liệu sẽ có bao nhiêu khán giả mặn mà với việc tới sân xem V.League vào mỗi cuối tuần?

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan