Trang chủ Thể thaoThể thao Việt Nam Bóng đá Việt Nam và nỗi ám ảnh bỏ giải 5 năm liền: V.League nháo nhác trước ngày khai màn

Bóng đá Việt Nam và nỗi ám ảnh bỏ giải 5 năm liền: V.League nháo nhác trước ngày khai màn

bởi Admin
0 Lượt xem

NĂM NÀO CŨNG CÓ ĐỘI… BIẾN MẤT

Câu chuyện trên diễn ra ở giải hạng Nhất, một trong hai hạng đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Trong vòng 5 mùa gần nhất, giải hạng Nhất (hay còn có tên gọi là V.League 2) đã “chia tay” tới 6 đội bóng vì đủ mọi lý do, từ khó khăn tài chính đến thay đổi mô hình hoạt động. Danh sách này dài ra qua từng mùa: CLB Tây Ninh (2021), CLB An Giang (2022), Sài Gòn FC và CLB Cần Thơ (2023), CLB Bình Thuận (2023/24), Định Hướng Phú Nhuận (2024/25)… và nhiều khả năng còn tiếp tục nối dài ở mùa 2025/26 tới đây.

CLB Bình Phước của Công Phượng sáp nhập và đổi tên thành CLB Đồng Nai. Điều này đồng nghĩa với việc CLB Đồng Nai cũ cũng biến mất khỏi giải hạng Nhất.

Trước mùa giải mới, một loạt đội bóng lại rơi vào tình cảnh lao đao. CLB Khánh Hòa chưa chắc có mặt khi nhà tài trợ chính bất ngờ rút lui. CLB Trẻ TP.HCM đối diện nguy cơ tan rã khi các cầu thủ và ban huấn luyện mùa trước đều chỉ ký hợp đồng 1 năm và hiện chưa ai biết tương lai sẽ đi về đâu.

CLB Long An đang loay hoay tìm kinh phí và chưa rõ tên mới sau khi tỉnh nhà sáp nhập với Tây Ninh. Đội Đồng Tháp thì dời ngày hội quân vì chưa biết ai sẽ tài trợ.

Trong khi đó, Đồng Nai và Trường Tươi Bình Phước đã gộp lại thành Trường Tươi Đồng Nai sau khi hai tỉnh cũng sáp nhập. Điều này khiến số đội dự giải hạng Nhất 2025/26 sẽ giảm từ 14 xuống còn 13, và có thể sẽ còn giảm thêm nếu các đội bóng kể trên không tìm ra được hướng giải quyết cho tương lai.

Nếu đội Trường Tươi Đồng Nai được đôn lên thay Quảng Nam ở V.League và các đội bóng đang gặp khó khăn không thể đăng ký tham dự, giải Hạng Nhất mùa tới sẽ chỉ còn đúng 8 đội: PVF-CAND, Hòa Bình, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu (đã đổi tên thành CLB TP.HCM), Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đại học Văn Hiến và Gia Định.

Bản thân Công Phượng và đồng đội chỉ có khoảng 3 tuần để chuẩn bị nếu lên V.League. Đội bóng này sẽ bị động hơn các đối thủ trong việc tuyển chọn lực lượng, đặc biệt là ngoại binh.

CLB Bình Phước từ chỗ còn gần 2 tháng để chuẩn bị cho mùa giải mới giờ chỉ còn khoảng 3 tuần.

NHÁO NHÁC TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC

Một giải đấu chuyên nghiệp mà năm nào cũng có đội bỏ giải, sát ngày khai mạc vẫn chưa rõ ai đá, ai nghỉ – đó là thực tế buồn của bóng đá Việt Nam hiện tại. Mùa trước, VPF và VFF đã phải lùi thời gian bốc thăm xếp lịch thi đấu giải hạng Nhất để gia hạn thời gian đăng ký dự giải cho một số đội. Mùa này, câu chuyện tương tự có thể sẽ lại tái diễn.

Trong khi các nền bóng đá phát triển luôn xem ổn định là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ sinh thái bền vững, thì ở Việt Nam, việc một CLB biến mất khỏi bản đồ bóng đá đã trở thành… chuyện thường niên.

Phụ thuộc vào tài trợ, vận hành kiểu “mùa nào hay mùa đó”, thiếu chiến lược dài hạn, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang tồn tại trên nền móng mong manh, thậm chí có phần chắp vá. Việc thay tên đổi chỗ, mượn suất… giờ đây không còn là giải pháp tình thế, mà đã thành một câu chuyện dần quen thuộc.

Cán cân ở giải hạng Nhất luôn rất chênh lệch giữa những đội có thực lực để đua lên hạng so với phần còn lại.

Giải hạng Nhất còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ khởi tranh, nhưng số đội có thể tham dự hiện vẫn đang bỏ ngỏ. Một mùa giải tưởng như sẽ rất hấp dẫn với 2 suất lên hạng trực tiếp, các đội được phép sử dụng 1 ngoại binh, nhưng rồi giờ đây mọi thứ lại đang trở nên vô cùng mong manh.

Khó có thể nói tới phát triển khi mùa giải nào cũng mở màn bằng sự nháo nhác, hoang mang và chắp vá. Không thể tính chuyện nâng tầm nếu vẫn còn nỗi lo… không đủ đội để đá. Đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải nhìn lại mô hình vận hành của mình, nếu không muốn chuyên nghiệp mãi chỉ là một giấc mơ dang dở.

Hai chữ “chuyên nghiệp” với bóng đá Việt Nam, e rằng vẫn còn là cả chặng đường gian nan trước mắt!

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan