
Chủ công Vi Thị Như Quỳnh (16) đang là 1 trong những cầu thủ ra sân thường xuyên của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: AVC
Khi tập trung 20 cầu thủ cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam năm 2025, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt điền vào danh sách nhóm cầu thủ vị trí chủ công gồm Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Uyên, Nguyễn Thị Phương, Vi Thị Như Quỳnh, Đặng Thị Hồng. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt từng bày tỏ rằng mình và ban huấn luyện tạo điều kiện tối đa cho tất cả cầu thủ thi đấu để có cảm giác chuyên môn nhưng vai trò chủ công rất quan trọng bởi là mũi chủ lực để quyết định tình huống giải quyết trận đấu.
“Chúng ta không có tay đập Trần Tú Linh tập trung đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vì chấn thương, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam phải chuẩn bị rất kỹ khâu phòng thủ bước 1”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã phân tích.
Đồng thời, vị thuyền trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng nói thêm, “Qua các trận đấu, chúng tôi có những gương mặt mới như Nguyễn Thị Uyên, Nguyễn Thị Phương thi đấu. Nói là mới nhưng họ từng là tuyển thủ quốc gia và trở lại tập trung, thi đấu làm quen với lối chơi của đội tuyển. Ban huấn luyện vẫn muốn từng người hoàn thiện và tự tin vào khả năng của bản thân khi thi đấu”.
Đội tuyển bóng chuyền nam đã tập trung 16 tay đập tới lúc này. HLV Trần Đình Tiền có nhóm tuyển thủ vị trí chủ công gồm Nguyễn Ngọc Thuân, Hoàng Xuân Trường, Dương Văn Tiên, Quản Trọng Nghĩa, Phạm Xuân Sinh. Trừ trường hợp Phạm Xuân Sinh chưa thi đấu, từ 2 nhiệm vụ quốc tế đã tham gia gần nhất là AVC Champions League 2025 và AVC Nations League 2025, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã đưa ra sân các cầu thủ chủ công kể trên. Nhưng thực tế, không phải tay đập nào cũng đạt phong độ cao.
Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường cho rằng các HLV có phương án nhân sự của mình và cầu thủ tập trung đội tuyển bóng chuyền quốc gia đã và đang là người thể hiện tốt phong độ trong giải vô địch quốc gia nên được tuyển chọn. Giới chuyên môn thì đánh giá trừ trường hợp chủ công Trần Thị Thanh Thúy đang giữ vai trò nổi bật tại đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, các chủ công khác (gồm nam, nữ) chưa phải tay đập thi đấu vượt trội hoàn toàn.
Mục tiêu và chỉ tiêu của 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam trong năm 2025 là chinh phục kết quả huy chương tại SEA Games 33-2025. Cầu thủ chủ công nếu chơi với phong độ ghi điểm tốt nhất, họ sẽ góp phần quyết định thành công các mục tiêu trên.

Chủ công Nguyễn Ngọc Thuân đã thi đấu trong đội hình hình chính thời gian qua. Ảnh: AVC
Khi xây dựng kế hoạch chuyên môn hướng đến SEA Games 33-2025, nhà quản lý xác định từng đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam có thời gian 7 tháng chuẩn bị. Trong 7 tháng (được chia theo 2 giai đoạn tập huấn), HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt (đội nữ) và HLV trưởng Trần Đình Tiền (đội nam) toàn quyền lựa chọn cầu thủ thực hiện phương án chiến thuật của mình. “Một trong những bài toán phải hoàn thiện mà không dễ là khả năng phòng thủ bước 1. Nếu chủ công của Việt Nam làm tốt điều này, đội bóng sẽ chơi với hiệu suất thành công tốt”, chuyên gia bóng chuyền Trần Văn Thư từng trao đổi.
Tại tháng 7 này, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam sẽ dự 2 lượt giải SEA V.League 2025 sau đó kết thúc tập huấn giai đoạn đầu tiên ngày 20-7. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự 2 lượt giải SEA V.League 2025 trong tháng 8. Cuộc đấu SEA V.League 2025 là đợt kiểm tra trực tiếp chuyên môn cho chúng ta vì đối thủ chính là những đội tuyển sẽ góp mặt tại SEA Games 33-2025 vào tháng 12.
Đọc bài gốc tại đây.