Trang chủ Thể thaoThế giới thể thao Chưởng môn Võ Đang nói sự thật về nội công, võ truyền thống bại trên võ đài

Chưởng môn Võ Đang nói sự thật về nội công, võ truyền thống bại trên võ đài

bởi Admin
0 Lượt xem

Đạo trưởng Chung Vân Long, tên tục Chung Đạo Chúc, đạo hiệu Thanh Vi, là chưởng môn đời thứ 14 phái Tam Phong Võ Đang, truyền nhân chính tông của võ thuật Võ Đang.

Truyền nhân võ Đang sống ẩn dật trong hang núi

Đạo trưởng Chung Vân Long sinh vào mùa xuân năm 1964 tại làng Bát Đội, thôn Thái Não, thị trấn Hưng Quốc, huyện Dương Tân, tỉnh Hồ Bắc. Do ảnh hưởng từ các bậc tiền bối, ông yêu thích võ thuật từ nhỏ.

Năm 13 tuổi, Chung Vân Long đến Thụy Xương, Giang Tây, bái sư Tâm Vận Diệp, học Nhạc Gia Quyền và Dương Gia Quyền. Năm 18 tuổi, để tìm kiếm cảnh giới võ thuật cao hơn, ông được chỉ điểm và đến chùa Thiếu Lâm, núi Tùng Sơn, Hà Nam.

Chung Vân Long là chưởng môn phái Tam Phong Võ Đang

Sau đó, ông biết nội gia quyền khởi nguồn từ núi Võ Đang, Hồ Bắc, nên năm 19 tuổi, ông đến đây. Ngay khi đến Võ Đang, ông cảm thấy nơi đây có duyên phận với mình nên quyết tâm cả đời kế thừa, phát huy võ thuật Võ Đang.

Nhờ tính cách thật thà, chăm chỉ và nền tảng võ thuật tốt, Chung Vân Long nhanh chóng được các sư huynh đệ tại Võ Đang kính nể, đồng thời được chủ tịch Hiệp hội Đạo giáo Võ Đang Vương Quang Đức, huấn luyện viên khí công Chu Thành Đức, và huấn luyện viên võ thuật Quách Cao Nhất yêu mến, bồi dưỡng.

Chung Vân Long nhớ lại giai đoạn khổ luyện võ công của phái Võ Đang: “Hồi đó, các sư huynh đệ đều rất nỗ lực, thậm chí nửa đêm cũng dậy luyện võ. Mỗi người có một góc riêng để luyện, không ai nói ra nhưng đều hiểu. Sư phụ thường xuyên quan sát, chỉ những ai có phẩm chất tốt và thực sự yêu võ thuật mới được truyền thụ chân truyền”.

Năm 1988, Chung Vân Long tiếp quản vị trí tổng huấn luyện viên võ thuật của Hiệp hội Đạo giáo Võ Đang từ đạo trưởng Quách Cao Nhất. Từ năm 1996 đến 2000, ông đảm nhiệm vai trò trụ trì cung Tử Tiêu.

Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, năm 2001, vị sư phụ Vương Quang Đức của ông qua đời. Ngay sau đó, Chung đạo trưởng đưa ra quyết định gây sốc: rời bỏ cung Tử Tiêu, nơi ông tu luyện gần 20 năm, và năm 2003, giao lại “Võ quán Đạo giáo Võ Đang” đang nổi đình nổi đám cho đệ tử, rồi một mình rời đi.

Chung Vân Long từng sống ẩn dật trong hang đá

5 năm sau, một phóng viên tìm thấy đạo trưởng Chung trong một hang động sau cung Ngũ Long. Để nâng cao cảnh giới tu luyện, ông đã vào hang đá ẩn cư cùng đệ tử Tưởng Phi. Cuộc sống ẩn dật trong rừng núi rất khắc nghiệt, nửa đêm đi vệ sinh cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chung Vân Long nói: “Tôi là một đạo nhân, vốn nên hòa mình vào thiên nhiên, nhưng nhiều năm qua bị vướng bận việc đời. Dù chưa chắc có thể tĩnh tu lâu dài ở đây, nhưng đây là nơi tôi chuẩn bị cho việc tu luyện tương lai.”

Năm 2009, chính quyền thành phố Thập Yển và Võ Đang đặc biệt chú trọng phát triển lành mạnh võ thuật Võ Đang, quản lý các trường võ thuật trong khu vực, tổ chức khóa đào tạo nội gia quyền Võ Đang cho các hiệu trưởng và huấn luyện viên.

Chung Vân Long được mời làm huấn luyện viên, truyền dạy nội gia quyền. Cảm nhận được sự thiếu hụt nhân tài phát huy văn hóa dưỡng sinh võ thuật Võ Đang, ông quyết định mở lại sơn môn, thu nhận thêm đệ tử để đào tạo nhân tài cho sự nghiệp võ thuật Võ Đang.

Sự thật về võ công truyền thống của Trung Quốc

Vị thế của Chung Vân Long trong giới võ thuật ngày nay không thể tách rời những chiến tích huyền thoại khi ông trấn giữ sơn môn Võ Đang, nhiều lần đánh bại các đối thủ thách đấu. Những câu chuyện “tỷ thí” được truyền tụng về Chung Vân Long đầy thần bí: kết thúc trận đấu trong nửa phút, khiến đối thủ thổ huyết, thậm chí không cần động chân đã chế ngự đối phương.

Chung Vân Long cho biết các cuộc tỷ thí ngày xưa của mình là “không có quy tắc, đánh thế nào để thắng thì đánh, dùng binh khí hay ám khí giữa chừng là không thể”.

Chung Vân Long hiện đang nỗ lực truyền bá võ thuật Võ Đang

Ban đầu, Chung Vân Long phải đối phó vài trận thách đấu mỗi tháng, cao điểm có khi đánh vài trận trong một ngày. Nhưng theo Chung Vân Long, chỉ gặp 3-4 cao thủ thực sự, còn lại đa phần là những kẻ lưu manh. Về tin đồn đánh người đến thổ huyết, đạo trưởng Chung không phủ nhận, nhưng ông nói không phải lúc nào cũng ra tay tàn nhẫn. Ông cũng cho biết giờ đây những cuộc tỷ thí võ nghệ không còn nữa bởi những việc như vậy bị coi là đánh nhau gây rối, làm mất an ninh trật tự, có thể bị bắt vào đồn công an.

Dù luyện võ nhiều năm, Chung đạo trưởng nhấn mạnh võ thuật truyền thống khác xa với những gì mà khán giả thấy trên phim ảnh: “Sự phóng đại trong phim ảnh đã khiến mọi người hiểu sai về võ thuật. Quy luật tự nhiên là quyền cước sợ người trẻ khỏe, nên không thể nói võ sư càng già thì võ công càng mạnh. Khinh công thì giống nguyên lý của parkour nước ngoài. Còn nội lực hoàn toàn là sự phóng đại trong tiểu thuyết võ hiệp, từ cổ chí kim chưa ai dùng nội lực làm tổn thương người khác.”

Chung Vân Long cho rằng võ thuật truyền thống bị phim ảnh thổi phồng quá mức

Chung đạo trưởng nói thêm : “Võ thuật Trung Quốc không phải hoa quyền tú cước, nhưng nhiều lý do khiến nó không được kế thừa tốt. Hồi xưa, nếu bị đánh trúng bởi chiêu lạ, tôi vui mừng, về nghiên cứu cả đêm.”

Theo ông, “quy tắc” là lý do chính khiến võ thuật truyền thống thường thất bại trên sàn đấu: “Võ thuật truyền thống nhắm vào yếu huyệt, hạ gục đối thủ trong thời gian ngắn nhất. Nhưng luật đấu hiện nay cấm đánh nhiều chỗ.”

Lý do thứ hai là “thời gian”: “Học võ không phải để gây gổ. Nếu có tâm lý đó, tinh hoa võ thuật không thể hiện được. Tán đả hay quyền Anh chỉ có vài chiêu đơn giản, nhưng võ thuật truyền thống thì khác. Để đánh bại đối thủ mạnh bằng nội gia quyền Võ Đang, không có mười mấy năm tu luyện là không thể.”

Hiện tại, Chung Vân Long và các đệ tử vẫn đang dốc sức truyền bá võ thuật Võ Đang. Trong nhiều năm qua, ông thu nhận các đệ tử ở nước ngoài, khiến phía Võ Đang ngày càng được biết đến ở nhiều nước trên thế giới.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan