Thời gian gần đây, ĐT Việt Nam dù vô địch AFF Cup 2024 nhưng lại nhận những kết quả phũ phàng trước các dàn cầu thủ nhập tịch của Indonesia, Malaysia. Chúng ta thua Indonesia 0-3 ngay SVĐ Mỹ Đình ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á. Chúng ta thua 0-4 trên sân Malaysia ở vòng loại Asian Cup 2027.
Thất bại 0-4 trước Malaysia khiến Chủ tịch VFF, Trần Quốc Tuấn mất ngủ liền 2 đêm và mới đây, ông có những tâm tư về câu chuyện phát triển bóng đá Việt Nam, có nên chạy đua nhập tịch với Malaysia, Indonesia hay không.
Trước những chia sẻ của ông Trần Quốc Tuấn, chúng tôi xin gửi tới độc giả bình luận của BLV Quang Huy:
“Một tuần đã trôi qua sau trận đấu tuyển Việt Nam thất bại 0-4 trước Malaysia. Đến bây giờ, những người yêu bóng đá và ngay cả giới chuyên môn vẫn có hai luồng suy nghĩ. Một là chúng ta phải giữ bản sắc. Không phải vì thấy tích cực mà nhập tịch như Malaysia hay Indonesia, mất cái bản sắc đi thì bóng đá không còn gì nữa cả. Bản sắc là quan trọng nhất.
Một số người cho rằng chúng ta không nên để tụt hậu. Từ trường hợp của Xuân Sơn, mọi người đều thấy bóng đá Việt Nam có nhập tịch thì khác biệt như thế nào. Chúng ta cũng phải làm sao đó để nhập tịch, không kém gì Malaysia hay Indonesia, kết hợp với nội lực. Nội lực chúng ta có thể hơn, và nếu chúng ta cũng nhập tịch như vậy, thì sẽ mạnh hơn và không bị tụt hậu. Đây là quan điểm bao trùm của người hâm mộ và các nhà chuyên môn những ngày vừa qua.

ĐT Việt Nam thảm bại 0-4 trên sân Malaysia.
Trong ngày hôm qua, khi VFF gặp gỡ phóng viên nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ông Trần Quốc Tuấn, chủ tịch của VFF, đã có những ý kiến về câu chuyện này. Ông Tuấn cho biết sau trận thua Malaysia, ông đã trăn trở trong hai đêm liền không ngủ để tìm ra phương án nào đó. Ông đã nghiên cứu các trường hợp nhập tịch gần đây của các nền bóng đá xung quanh và suy nghĩ về quá khứ của Việt Nam, làm sao để cân bằng giữa bản sắc và thành tích.
Ông Tuấn khẳng định rằng không thể chỉ tập trung vào kết quả mà còn phải nghĩ đến cách chúng ta sẽ phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai. Thực tế Việt Nam không có nguồn cầu thủ mang dòng máu lai đủ mạnh như Indonesia hay Malaysia. Thay vào đó, cần cân bằng giữa thành tích của đội tuyển và sự phát triển bền vững bóng đá trong nước.
Khác với Indonesia và Malaysia, VFF kiên định sử dụng cầu thủ nội, tức là lấy cầu thủ nội làm nòng cốt và phát triển bóng đá trong nước từ trẻ lên. Nếu có sử dụng cầu thủ nhập tịch hoặc Việt kiều, cũng cần cân nhắc sao cho hài hòa để phát triển lâu dài, không chỉ vì thành tích mà lạm dụng rồi sau đó thì lụi tàn nhanh chóng. Nếu không có bước đi đúng, Việt Nam sẽ có lúc mạnh lên nhưng nội lực trong nước sẽ yếu đi.

ĐT Việt Nam điểm xuyết những ngôi sao nhập tịch như Xuân Son là tốt, còn nếu lạm dụng có thể gây những nguy hại khác cho nội lực.
Câu chuyện mà chúng ta cần nghĩ đến là động lực của cầu thủ nội. Nếu chỉ tập trung vào việc xây dựng đội tuyển mạnh nhất vào một số thời điểm mà bỏ quên hệ thống giải quốc nội và đá trẻ, chúng ta sẽ nhanh chóng trở lại hình ảnh cũ, thậm chí thụt hậu so với mặt bằng chung.
Đó là những gì ông Tuấn đã nói trong buổi họp báo gặp gỡ phóng viên nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng từ bản sắc văn hóa, lòng yêu nước đến sự gắn kết về chiến thuật đều được xây dựng từ nội lực. Bóng đá Việt Nam đang kiên trì theo hướng đi này. Nếu có bổ sung từ bên ngoài như cầu thủ nhập tịch, đó phải là sự lựa chọn phù hợp và có tính chiến lược chứ không phải tạm thời.
Trong 25 năm làm công tác quản lý bóng đá, ông Tuấn nhớ lại giai đoạn ông làm tổng thư ký của VFF. Lúc đó tuyển Việt Nam mất hơn nửa đội hình vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc cầu thủ bán độ tại SEA Games Bacolod năm 2005.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là đội Đông Nam Á duy nhất vào tứ kết của Asian Cup 2007 và sau đó chúng ta đã vô địch AFF Cup năm 2008. Nhớ lại giai đoạn đó, chúng ta cảm thấy rất đau lòng. Các cầu thủ sau này cố gắng nhưng hầu như không trở lại được phong độ tốt. Duy nhất có Quốc Anh cố gắng trở lại với Đà Nẵng, vô địch V.League và giành bóng vàng. Tuy nhiên, những cầu thủ khác, từ phòng ngự đến tấn công, đã cố gắng nhưng không bao giờ trở lại được phong độ.
Ngược dòng thời gian, người hâm mộ vẫn băn khoăn làm sao bóng đá không bị yếu đi và không bị tụt hậu. VFF thì có quan điểm rằng cần giữ bản sắc. Ông Trần Quốc Tuấn tiếp tục khẳng định rằng chỉ còn phương án duy nhất là liên tục cọ sát bằng nội lực của mình. Các cầu thủ trẻ cần được đào tạo bài bản và cọ sát nhiều, chỉ khi đó chúng ta mới có thể vượt qua các đội mạnh của châu Á.

U16 Việt Nam vừa có thành tích ấn tượng ở giải giao hữu tại Trung Quốc, thua Australia 1-2, hòa Trung Quốc 2-2, thắng Saudi Arabia 2-1.
Ông Tuấn cũng dẫn chứng rằng tại Asian Cup 2007, bóng đá Việt Nam có một lứa trẻ tốt. Sau vụ bán độ, Việt Nam vẫn có nguồn cầu thủ trẻ được đầu tư, cho ra sân khi họ còn trẻ để rồi có kết quả tốt tại vòng bảng Asian Cup. Chúng ta đã thắng UAE, thua Nhật Bản và hòa Qatar, vào tứ kết, là đội duy nhất trong bốn đội Đông Nam Á. Ông Tuấn khẳng định rằng chúng ta thận trọng trước những biến động của thời cuộc nhưng vẫn coi bóng đá trong nước, nội lực là động lực phát triển.
Ông Tuấn cũng chỉ ra rằng nhiều câu lạc bộ đã có những chuyển biến tích cực. Một số đội hạng nhất đã đề xuất ý tưởng đột phá, hy vọng góp phần giúp bóng đá Việt Nam phát triển bền vững. Bóng đá phải thực sự kiên nhẫn, liên tục cọ sát, tạo động lực phát triển và tham gia hợp tác quốc tế để bóng đá trẻ tiến bộ.
Chúng ta đã đạt được thỏa thuận với Bundesliga với hai đội trẻ tập huấn tại Đức sắp tới. Ngoài ra, cũng duy trì quan hệ tốt với Nhật Bản, hợp tác với La Liga và mở rộng quan hệ ra. Trung Quốc cũng là nơi mà Việt Nam thường xuyên cử đội sang tập huấn. Gần đây, U23 đã tham gia hai giải mời tại Trung Quốc và đạt kết quả tốt.
Ông Tuấn cũng cho biết các đội bóng trẻ U15, U16, và cả đội nữ sẽ thường xuyên tập huấn ở nước ngoài để nâng cao chất lượng đội hình. Đặc biệt, U15 và U16 sẽ tập huấn ở châu Âu để chuẩn bị cho giải U17 châu Á.
Giải đấu này cũng là nơi quyết định vòng loại cho U17 World Cup. Trong năm nay, ngoài các trận vòng loại Asian Cup, U23 cũng có các mục tiêu là SEA Games, giải U21 Đông Nam Á và vòng loại châu Á. Chúng ta vẫn tiếp tục theo con đường của mình, chú trọng vào đầu tư nội lực và phát triển trẻ em một cách bền vững.
Đó là quan điểm của ông Trần Quốc Tuấn, chủ tịch VFF. Nếu coi ông Tuấn là đại diện cho ban chấp hành VFF, chúng ta nên tổ chức một cuộc hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các câu lạc bộ, cầu thủ ưu tú, và các nhà quản lý bóng đá ngành thể thao, thậm chí cả bộ ngoại giao, để có một hướng đi tổng lực, bàn bạc thỏa đáng, ghi lại thành quyết nghị, từ đó thực hiện để tránh phân tán.
Nếu chưa tổ chức được hội thảo quy mô, mọi người sẽ có thể cho rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân. Tuy nhiên, nếu ban chấp hành đồng tình với quyết định lớn, chúng ta có thể thực hiện theo hướng đó”.
Đọc bài gốc tại đây.