Hành trình điều trị gian nan
Trước khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương , chị L. liên tục nhập viện vì đau bụng, sốt kéo dài và các triệu chứng liên quan đến hệ tiết niệu. Ban đầu, chị được chẩn đoán ứ nước bể thận và áp xe niệu quản, sau đó lần lượt trải qua các ca mổ nội soi, đặt ống JJ niệu quản, và cuối cùng là phẫu thuật mở tạo hình niệu quản do biến chứng thủng thành niệu quản.
Dù đã qua nhiều đợt can thiệp, tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tháng 9/2024, sau một ca mổ tưởng chừng như đã giải quyết triệt để ổ viêm, chị L. lại tái phát với biểu hiện bí tiểu, sốt cao liên tục 40–41°C, không đáp ứng kháng sinh. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt kéo dài, đau tăng vùng hạ vị, nhiễm trùng tiết niệu nặng kèm theo nhiễm khuẩn huyết – một ca bệnh phức tạp, có nguy cơ tử vong nếu không xử lí kịp thời.
Kết quả siêu âm và CT ổ bụng ghi nhận vùng tiểu khung bên trái có tổn thương hỗn hợp âm, kích thước lên tới 49x36mm và khối tăng tỉ trọng hố chậu trái khoảng 51x60mm, nghi ngờ khối u ác tính.
Trước các dấu hiệu bất thường kéo dài, ê-kíp chuyên khoa Ngoại tiết niệu quyết định mổ mở cấp cứu để vừa xử lí tổn thương, vừa lấy toàn bộ mô nghi ngờ làm giải phẫu bệnh.
Ca mổ kéo dài 2 giờ đồng hồ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện hai khối u: một khối nằm ở buồng trứng trái (khoảng 3cm), khối còn lại sau tử cung, đã xâm lấn vào thành bàng quang (khoảng 4cm). Cả hai khối cùng tử cung được cắt bỏ hoàn toàn. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, phục hồi tốt và được chỉ định hóa trị tiếp tục sau đó.
Phát hiện “kì lạ” dưới kính hiển vi

Bác sĩ khám lại cho nữ bệnh nhân
Điều bất ngờ chỉ được phát hiện sau khi mẫu bệnh phẩm được chuyển tới khoa Giải phẫu bệnh học. Qua ba lần phân tích độc lập, kết hợp hội chẩn với các giáo sư đầu ngành trong nước và quốc tế, kết quả cuối cùng xác định bệnh nhân mắc phải Sarcoma mô bào (HS) – một dạng ung thư vô cùng hiếm gặp.
Theo bác sĩ Vũ Xuân Ngọc, phụ trách khoa Giải phẫu bệnh học Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là một trong những ca bệnh hiếm thấy tại Việt Nam. “Sarcoma mô bào là rối loạn histiocytis ác tính, chỉ chiếm khoảng 0,17 ca/1 triệu người. Bệnh thường liên quan đến các rối loạn tủy, u tế bào mầm và có thể biểu hiện tại bất kì cơ quan nào trong cơ thể. Việc chẩn đoán rất khó khăn do đặc điểm mô học và miễn dịch của HS dễ nhầm lẫn với các tổn thương khác như lymphoma, ung thư biểu mô kém biệt hóa, u hắc tố hay các loại sarcoma khác” – bác sĩ Ngọc phân tích.
Việc đưa ra chẩn đoán chính xác đòi hỏi bác sĩ phải loại trừ hàng loạt bệnh lí tương tự, sử dụng nhiều phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch đặc hiệu. HS là một thể ung thư ác tính, tiến triển nhanh, lâm sàng đa dạng và dễ bị chẩn đoán nhầm. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, tiên lượng có thể được cải thiện đáng kể.
Bác sĩ Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu và Nam học cho biết: “Điều đáng nói là trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tại nhiều nơi nhưng đều chẩn đoán là áp xe, viêm. Nếu không kiên quyết mổ lấy khối u và làm giải phẫu bệnh sâu, rất có thể bệnh lí này vẫn tiếp tục bị bỏ sót”. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc phối hợp đa chuyên khoa, hội chẩn chuyên sâu và đặc biệt là sự chủ động trong chẩn đoán của các bác sĩ tuyến cuối.
Đọc bài gốc tại đây.