Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực vì làm được điều này: 2 tổ chức quốc tế dành lời khen ngợi

Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực vì làm được điều này: 2 tổ chức quốc tế dành lời khen ngợi

bởi Admin
0 Lượt xem

Việt Nam vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khen ngợi vì những tiến bộ vượt bậc trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em – một thành tựu được ghi nhận trong bối cảnh thế giới vẫn đang nỗ lực phục hồi hậu COVID-19.

Theo báo cáo mới nhất của WHO và UNICEF công bố ngày 15/7, tỷ lệ tiêm chủng mũi đầu vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP) tại Việt Nam năm 2024 đã đạt tới 99%, tăng mạnh từ mức 80% năm 2023. Đây là mức cao hơn cả thời điểm trước đại dịch – năm 2019.

Một điểm nổi bật khác là số trẻ “0 liều vắc xin” – tức chưa từng được tiêm bất kỳ loại vắc xin nào – đã giảm từ 274.000 trẻ vào năm 2023 xuống còn 13.000 trẻ vào năm 2024, tương đương mức giảm hơn 95%. Điều này cho thấy hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam đã được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể phòng ngừa bằng vắc xin.

Kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, việc cung ứng vắc xin kịp thời, cùng nỗ lực không ngừng từ đội ngũ nhân viên y tế, cha mẹ và cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng sởi 2024–2025 là một minh chứng: gần 1,3 triệu trẻ em đã được tiêm vắc xin trong chiến dịch này, góp phần kiểm soát đợt bùng phát dịch sởi trong nước.

TS Jennifer Horton, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Những con số đáng khích lệ này là sự ghi nhận đối với hàng ngàn nhân viên y tế đã làm việc không ngơi nghỉ để khôi phục hệ thống tiêm chủng sau đại dịch và tình trạng thiếu vắc xin. Họ đã đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ em trên cả nước”.

- Ảnh 1.

Tiêm chủng cho trẻ em (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Cùng chung quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng chương trình “Vì sự sống còn và phát triển trẻ em” của UNICEF Việt Nam, cho rằng thành tựu của Việt Nam phản ánh rõ nét cam kết chính trị mạnh mẽ và sức mạnh của hệ thống y tế cơ sở. “Trong khi 1,8 triệu trẻ em ở Đông Á – Thái Bình Dương vẫn chưa được tiêm chủng, thành công của Việt Nam truyền đi một thông điệp rõ ràng: việc tiêm chủng cho mọi trẻ em là hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm và đầu tư đúng hướng”, ông Du nói.

Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ em được tiêm ba liều vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà tăng 32%, đạt 97% vào năm 2024, tăng so với mức 65% của năm trước. Điều này không chỉ cho thấy khả năng tiếp cận vắc xin được cải thiện mà còn thể hiện sự sát sao với việc hoàn thành lịch tiêm đầy đủ.

Thách thức Việt Nam phải đối mặt

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức còn tồn tại. Hiện vẫn còn khoảng 40.000 trẻ chưa tiêm đủ ba mũi DTP và 27.000 trẻ chưa được tiêm mũi đầu vắc xin sởi. Nguyên nhân bao gồm rào cản về địa lý, thiếu nhân lực y tế ở vùng sâu vùng xa và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch đến hệ thống y tế.

WHO và UNICEF cảnh báo, nếu không lấp đầy những “khoảng trống tiêm chủng” này, nguy cơ bùng phát dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế đang chịu nhiều áp lực từ cả bệnh truyền nhiễm lẫn không truyền nhiễm.

Hai tổ chức quốc tế đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng bù, đặc biệt tại các khu vực khó tiếp cận và với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Việc duy trì chuỗi cung ứng vắc xin an toàn, tăng cường truyền thông phòng chống tin giả về tiêm chủng và huy động sự tham gia của khu vực y tế tư nhân sẽ là chìa khóa giúp mở rộng độ bao phủ tiêm chủng.

Dữ liệu từ WHO và UNICEF cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép tiêm chủng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, sử dụng tài chính trong nước hiệu quả và thực hiện các chiến lược hướng tới công bằng – những yếu tố cốt lõi của Chương trình Nghị sự Tiêm chủng Toàn cầu đến năm 2030 (IA2030).

Thành công của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho khả năng phục hồi và phát triển của các quốc gia đang phát triển nếu có chiến lược bài bản và cam kết mạnh mẽ từ cấp cao nhất. Trong bối cảnh nhiều quốc gia còn chật vật sau đại dịch, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong khu vực về nỗ lực bảo vệ sức khỏe trẻ em bằng tiêm chủng.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan