Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí eJHaem cảnh báo rằng tình trạng thiếu máu do thiếu sắt làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não cục bộ ở người trẻ tuổi.
Theo Medical Xpress, thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, nguyên nhân phổ biến nhất là do chế độ ăn uống thiếu sắt.
Ngoài ra các chấn thương, bệnh lý gây mất máu nhiều hoặc kém hấp thụ sắt cũng có thể gây thiếu máu do thiếu sắt.

Thiếu máu do thiếu sắt làm tăng mạnh nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não cục bộ ở người trẻ – Minh họa AI: Thu Anh
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Cincinnati, Bệnh viện Đại học Cleveland và Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ) đã phân tích dữ liệu của gần 22 triệu bệnh nhân từ 300 cơ sở y tế ở nước này.
Trong số đó, gần 37.000 người từng bị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ.
Kết quả cho thấy tỉ lệ bị thiếu máu do thiếu sắt trong nhóm bệnh nhân từng đột quỵ này cao gấp 5 lần so với người không bị đột quỵ.
Xét về rủi ro, người bị thiếu máu do thiếu sắt có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ ở độ tuổi 15-40 cao hơn 39% so với người khỏe mạnh.
Kết quả này ủng hộ một số thí nghiệm của các nhóm khác trước đó, cho thấy tình trạng thiếu máu do thiếu sắt kéo dài có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và huyết khối, là những yếu tố nguy cơ của loại đột quỵ này.
Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, với tỉ lệ 80%-90% trên tổng số các ca đột quỵ, theo như các thống kê.
Thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cơ thể xanh xao; dễ chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu; tay chân lạnh; tóc yếu, dễ gãy rụng; móng tay, móng chân dễ gãy…
Thực phẩm giàu sắt bao gồm phần lớn các nguồn đạm phổ biến: Thịt bò, thịt gà, thịt cừu, hải sản, gan động vật… Ngoài ra, các loại đậu (đặc biệt là đậu nành), hạt, rau màu xanh lá đậm, ca cao… cũng chứa nhiều sắt
Thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa sắt heme, trong khi nguồn thực vật cung cấp sắt non-heme. Quá nhiều sắt heme sẽ không tốt, tuy nhiên sắt non-heme lại thường khó hấp thụ hơn sắt heme.
Vì vậy để giữ sức khỏe, bạn nên cân bằng các thực phẩm này. Bên cạnh đó, cần bổ sung thường xuyên vitamin C (có trong trái cây có múi, ổi, xoài, dâu, ớt chuông…) để cơ thể dễ dàng hấp thụ sắt.
Đọc bài gốc tại đây.