Thông tin trên được TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nêu ra tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dân số giai đoạn 2018-2024, ngày 1-4.

Khám sức khoẻ cho người cao tuổi tại các trạm y tế
Bác sĩ Châu cho biết từ năm 2017, TP HCM bước vào thời kỳ “già hóa dân số” khi tỉ lệ người dân từ 60 tuổi trở lên đạt 10,28%. Dù muộn hơn so với cả nước 6 năm, tốc độ già hóa dân số tại TP HCM lại diễn ra rất nhanh. Đến năm 2024, tỉ lệ người cao tuổi đã tăng lên 11,87%, tương đương hơn 1,1 triệu người, tăng khoảng 243.500 người trong 7 năm (2017-2024), bình quân gần 35.000 người mỗi năm.
“Sự gia tăng nhanh chóng này khiến tốc độ già hóa dân số vượt qua các dự báo trước đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng xã hội, nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng đông” – bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Theo Cục Thống kê, chỉ số già hóa của TP HCM năm 2024 là 65,2, cao hơn so với cả nước (60,18). Hiện có hơn 329.000 người cao tuổi tại TP HCM được khám và lập hồ sơ sức khỏe tại các trạm y tế.
Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vẫn còn hạn chế, do hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số cao tuổi. Bên cạnh đó, tổng tỷ suất sinh của TP HCM thấp (1,39 con/phụ nữ vào năm 2024), gây ra những hệ quả như thiếu hụt nguồn lao động và tác động đến an sinh xã hội.
TP HCM đề nghị Trung ương xây dựng các chính sách đồng bộ cho người cao tuổi, đặc biệt là khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, cải cách hệ thống hưu trí và bảo hiểm, cũng như quy hoạch không gian đô thị phù hợp với quá trình già hóa dân số, bao gồm các khu vực chăm sóc lão khoa và viện dưỡng lão.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đánh giá cao những nỗ lực của TP HCM trong việc thực hiện chính sách dân số và chăm sóc sức khỏe. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, thành phố đã ban hành nhiều văn bản quan trọng thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số vấn đề cần được chú ý và giải quyết. Cụ thể, về công tác quản lý dân số, tỉ lệ cơ sở dữ liệu dân cư của TP HCM được đăng ký và cập nhật vào hệ thống quốc gia chỉ đạt 95,1%, thấp hơn so với các tỉnh, thành khác. Điều này đặt ra câu hỏi về những khó khăn trong việc thu thập và cập nhật dữ liệu dân cư tại TP HCM, đồng thời cần tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là tỉ lệ nạo phá thai tại TP HCM hiện vẫn rất cao, mặc dù đã giảm từ 42,1 ca/100 ca sinh vào năm 2017 xuống còn 31,14 ca vào năm 2024. “Đây là một tỉ lệ đáng lo ngại, cần có các biện pháp can thiệp quyết liệt hơn nhằm giảm thiểu tình trạng này. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh con ngoài ý muốn, dù có sự giảm nhẹ, vẫn cần được theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng hơn về các số liệu” – ông Hạ đề nghị.
Ngoài ra, tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tại TP HCM đang giảm dần, trong khi các tỉnh khác lại có xu hướng tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến công tác kế hoạch hóa gia đình và dân số, cần được nghiên cứu và có giải pháp cụ thể.
Về công tác chăm sóc sức khỏe, mặc dù TP HCM đã triển khai các chính sách hỗ trợ nhưng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và chăm sóc vẫn còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống hỗ trợ người cao tuổi cần được mở rộng và hoàn thiện hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của nhóm đối tượng này.
Đọc bài gốc tại đây.