Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Phi hành gia trở lại Trái Đất có thể bị mất tạm thời 1 chức năng cơ bản vì “giấc mơ vũ trụ”

Phi hành gia trở lại Trái Đất có thể bị mất tạm thời 1 chức năng cơ bản vì “giấc mơ vũ trụ”

bởi Admin
0 Lượt xem

Phi hành gia trở lại Trái Đất có thể bị mất tạm thời 1 chức năng

Trong 15 năm tới, NASA hy vọng sẽ thực hiện sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa. Tuy nhiên, hành trình chinh phục sao Hỏa có thể phải kéo dài khoảng 9 tháng và đi kèm với nó là một thách thức. Đó là căn bệnh có thể “hủy hoại” tạm thời thị lực của các phi hành gia.

Theo trang Scientific American, việc sống trong thời gian dài ở môi trường vi trọng lực của không gian có thể gây ra Hội chứng thần kinh thị giác liên quan đến du hành vũ trụ (SANS). Hội chứng SANS gây sưng ở vùng dây thần kinh thị giác nối với não; sưng phù đĩa thị giác và một số vấn đề khác ở võng mạc; làm ảnh hưởng tới thị lực của các phi hành gia.

NASA coi SANS là một trong những rủi ro đối với sứ mệnh chinh phục sao Hỏa, do mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn và số lượng phi hành gia có thể mắc hội chứng này.

- Ảnh 1.

Phi hành gia trở về Trái Đất có thể bị suy giảm thị lực tạm thời.

Một số thay đổi ở mắt đã được phát hiện sau 10 ngày các phi hành gia sống trong không gian. Các bác sĩ cho rằng nguy cơ tăng lên khi thời gian sống trong môi trường vi trọng lực kéo dài hơn. Cho đến nay, SANS là vấn đề thường gặp với những người làm việc 6 tháng trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Khoảng 2/3 số phi hành gia sống dài ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã trải qua những thay đổi về thị lực, đặc biệt là đối với tầm nhìn gần.

“Phần lớn những vấn đề về thị lực này sẽ biến mất sau khi phi hành gia trở về Trái Đất. Ngay cả những trường hợp gặp vấn đề thị lực nghiêm trọng nhất cũng sẽ khôi phục sau khoảng 12 tháng”, bác sĩ nhãn khoa hàng không vũ trụ Tyson Brunstetter, tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston, Texas, Mỹ cho biết.

Bác sĩ Brunstetter cho biết nếu tình trạng phù nề đĩa thị giác tiến triển đủ lâu, khiến điểm mù ở võng mạc mở rộng ra, thị lực sẽ bị suy giảm. Các vấn đề ở mắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể gây ảnh hưởng lâu dài ngay cả khi các phi hành gia trở về Trái Đất.

Vị chuyên gia lo ngại rằng sống ở ngoài vũ trụ trong thời gian dài có thể khiến thị lực của các phi hành gia bị biến dạng như cách mà cuộn phim máy ảnh bị nhàu làm cong vênh bức ảnh thu được.

- Ảnh 2.

Phi hành gia ở ở ngoài vũ trụ.

Yếu tố nguy cơ của hội chứng SANS

Yếu tố nguy cơ đầu tiên gây ra SANS được xác định có thể là do sự dịch chuyển chất lỏng xảy ra trong môi trường vi trọng lực. Trên Trái Đất, trọng lực kéo máu và dịch não tủy xuống phía dưới, trong khi tim và các cơ quan khác bơm chúng đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, trong môi trường không có trọng lực, chất lỏng tích tụ nhiều hơn ở đầu. Các nhà khoa học của NASA cho rằng chất lỏng tích tụ ở vùng đầu có thể làm tăng áp lực nội sọ.

Bác sĩ Brunstetter cho rằng sự gia tăng áp lực nội sọ nhẹ có thể gây ra vấn đề nếu thời gian sống ngoài vũ trụ kéo dài đủ lâu. Chất lỏng tích tụ ở vùng đầu khiến các mạch máu ở khu vực này sưng lên, có thể làm ảnh hưởng nguồn cung máu đến mắt và suy giảm thị lực.

Tuy nhiên, Scott Smith, một chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Không gian Johnson, người nghiên cứu SANS cho rằng: “Nếu chỉ đơn giản là vào không gian và dịch dồn lên đầu, thì chuyện đó đã xảy ra với tất cả các phi hành gia nhưng thực tế chỉ có một số phi hành gia mắc SANS”.

Yếu tố nguy cơ thứ hai cho là có thể gây ảnh hưởng tới thị lực của các phi hành gia là khí carbon dioxide. Mức CO2 trong ISS và các khoang ngủ của phi hành gia cao hơn so với trên Trái Đất. Mức CO2 cao làm tăng lưu lượng máu trong não và có thể làm tăng thêm áp lực nội sọ.

Các nghiên cứu trên Trái Đất đã tiến hành thử nghiệm cho các tình nguyện viên nằm nghiêng đầu xuống trong một tháng hoặc lâu hơn để mô phỏng môi trường vi trọng lực. Kết quả cho thấy mức CO2 cao làm tăng dấu hiệu của SANS. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc SANS không hề giảm đi khi các kỹ sư vũ trụ đã thực hiện các biện pháp loại bỏ CO2 ra khỏi không khí trong ISS.

- Ảnh 3.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Chuyên gia Smith nghi ngờ rằng SANS là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm tiếp xúc với CO2, tình trạng thiếu vitamin và yếu tố di truyền gây tăng mức axit amin homocysteine.

Chuyên gia Smith và nhóm của ông phát hiện ra rằng các phi hành gia phát triển SANS có mức axit amin homocysteine cao hơn so với những người không mắc SANS. Thêm vào đó, chế độ ăn thiếu vitamin nhóm B như vitamin B9 hoặc vitamin B12 có thể khiến mức axit amin homocysteine tăng cao hơn ở những phi hành gia có yếu tố di truyền.

Sau khi xác định được 4 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng SANS (do sự dịch chuyển chất lỏng xảy ra trong môi trường vi trọng lực, tiếp xúc với mức khí CO2 cao, thiếu vitamin, gen di truyền gây tăng mức axit amin homocysteine), các nhà khoa học cho biết các phi hành gia có ít nhất 3/4 yếu tố sẽ có nguy cơ mắc SANS cao hơn so với những phi hành gia chỉ có 1 hoặc 2 yếu tố.

Chuyên gia Smith và nhóm của ông cũng phát hiện ra rằng vài năm trước, một phi hành gia có dấu hiệu SANS nghiêm trọng nhất, đã được các bác sĩ của NASA điều trị bằng vitamin – một ý tưởng lấy từ công trình nghiên cứu của nhóm Smith. Tình trạng mắt của phi hành gia đã ổn định sau khi điều trị. Khi Smith phân tích trường hợp của phi hành gia đó, ông phát hiện ra cô ấy có đủ cả 4 yếu tố nguy cơ.

Trường hợp của phi hành gia trên không phải là bằng chứng kết luận mà chỉ đơn thuần là nghiên cứu nghiên cứu ca bệnh, chuyên gia Smith cho hay.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân và cách điều trị SANS, nhưng chuyên gia Smith cho biết các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi câu trả lời cho căn bệnh này.

 (Theo Scientific American)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan