Một tối cuối năm 2024, Hán Thành Nam – chàng trai 18 tuổi quê ở huyện Tam Nông, Phú Thọ – tất bật sắp xếp tư trang cá nhân, giấy tờ cho ngày lên đường nhập ngũ sắp tới. Nam mong đợi ngày ấy từ lâu, háo hức được khoác lên mình màu áo lính như lời hứa với cha, ông nội và với cả bản thân.
Sau khi thu xếp hành trang xong xuôi, Nam chạy xe máy ra ngoài gặp bạn thì không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tin dữ ập đến, cả nhà lao ra đường, sau đó vào bệnh viện trong sự hỗn loạn và kinh hoàng. Nam được cấp cứu, hồi sức tích cực, nhưng chấn thương sọ não quá nặng. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông báo “bệnh nhân đã chết não”.
Anh Hán Thành Chung – bố của Nam vẫn nhớ như in giây phút đó. ” Tôi đứng bên ngoài phòng ICU, tim như bị bóp nghẹt. Tôi nghĩ thằng bé khỏe mạnh thế, làm sao mà không qua khỏi được?”.

Anh Hán Thành Chung chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của con trai. (Ảnh: Như Loan)
Trong tiếng máy thở, giữa những ánh đèn buồng bệnh, các bác sĩ đặt vấn đề nếu gia đình đồng ý, có thể hiến tạng của Nam để cứu những người khác. Biết không còn phép nào đến với con, anh Chung ngã quỵ, ôm vợ khóc nức nở.
Khi bình tĩnh trở lại, anh Chung nói với bác sĩ, cho đi là còn mãi, số cháu ngắn, nếu còn giúp được người khác sống thì nên làm. Quyết định được đưa ra trong nước mắt.
Dẫu thế, họ không ngờ rằng sau khi Nam ra đi, những lời dị nghị bắt đầu xuất hiện. “Mỗi lời nói như kim đâm vào tim”, anh Chung rơm rớm nước mắt kể lại.
Bỏ ngoài tai những điều tiếng khó nghe, gia đình vẫn quyết định hiến tặng tạng của con để cứu những người bệnh mạn tính. Nam hiến tổng cộng 6 bộ phận, hai giác mạc, hai quả thận, gan và tim. Tất cả đều được ghép thành công. Sáu người đang nằm chờ cái chết đã được hồi sinh.
“Mỗi lần bác sĩ báo tin có người được ghép thành công, tôi lại như được gặp lại con một chút. Tim nó vẫn đập, phổi nó vẫn thở, mắt vẫn thấy dù không còn ở với mình”, anh Chung nói.
Gia đình Nam không mong cầu gì từ những người nhận tạng, họ chỉ mong một điều giản dị, những người ấy sống tốt, sống khỏe, sống xứng đáng với món quà sự sống mà con họ để lại.
Giờ đây, ngôi nhà nhỏ ở Tam Nông vẫn sáng đèn mỗi tối. Bên bàn thờ Nam có thêm giấy khen của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam truy tặng Nam vì nghĩa cử cao đẹp. Mỗi khi nhìn vào đó, anh Chung lại chắp tay, thầm thì: “Trái tim con còn đập nghĩa là con vẫn đang sống”.
Nam không thể thực hiện giấc mơ khoác áo lính, nhưng em kịp thực hiện “nhiệm vụ” cao cả hơn đó là cứu người. Nam ra đi nhưng sáu cuộc đời khác được hồi sinh. Gia đình Nam hiểu rằng có những mất mát không vô nghĩa, và có những trái tim, dù ngừng đập trong lồng ngực này, vẫn sẽ tiếp tục sống trong một cơ thể khác, một cuộc đời khác.

Các y bác sĩ cúi đầu tri ân em Hán Thành Nam hiến tạng trước khi phẫu thuật. (Ảnh: BVCC)
Theo Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nếu như năm 2023 trở về trước, Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất thế giới về tỷ lệ hiến tạng sau khi chết não, thì năm 2024, nước ta có tên trên bản đồ hiến tạng thế giới khi số ca hiến tạng sau chết não tăng 173% so với năm 2023.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, năm 2024, Việt Nam có 41 trường hợp chết não hiến tạng, ở vị trí số 1 thế giới về tỷ lệ tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não năm 2024.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có 27 trường hợp hiến tạng sau chết não. Gần đây nhất là trường hợp chết não tại TP.HCM, gia đình tự nguyện hiến tạng cứu 7 người.
“Đây là sự nỗ lực từ rất nhiều phía, trong đó có công tác vận động, cũng như truyền thông để nâng cao nhận thức về ý nghĩa cao đẹp của hiến tạng đến người dân”, ông Hệ nói.
Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích ghép tạng từ người cho sống. Ghép tạng từ người chết não là giải pháp tối ưu cho những người bệnh hiểm nghèo đang mòn mỏi chờ tạng. Hiện cả nước có hàng nghìn người chờ ghép tạng, nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết não vẫn còn rất ít ỏi, nhiều người bệnh đã không chờ đợi được tạng hiến.
Đọc bài gốc tại đây.