Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Người đàn ông rút ra “sợi dây” ngoe nguẩy dài 70cm từ chân: Bất ngờ khi biết “thủ phạm” gây bệnh

Người đàn ông rút ra “sợi dây” ngoe nguẩy dài 70cm từ chân: Bất ngờ khi biết “thủ phạm” gây bệnh

bởi Admin
0 Lượt xem

Cách đây 2 tháng, khi đang làm thợ hồ ở Hà Nội, anh Q thấy ở chân nổi ngứa 1-2 ngày, sau khi khỏi ngứa chân anh bị sưng và phát mẩn đỏ. Tuy nhiên, anh Q không bị sốt và đau.

Sau đó, vết thương tiếp tục sưng lên, tạo thành khối mủ cứng nhưng anh Q nghĩ đó là tình trạng phát nhọt bình thường nên đã tự nặn nhọt. Kết quả anh Q kéo ra được một “sợi dây” rất dài khiến anh giật mình.

“Có lần tôi kéo được sợi dẹt, tôi nghĩ đến sán. Lần khác, tôi kéo được một loại giun trắng nhỏ nằm ở đầu gối, kéo dài được khoảng 70cm thì đứt. Cũng có lần tôi rút ra được hết một con giun, đầu còn ngoe nguẩy”, anh Q kể.

Lo lắng cho sức khỏe nên anh Q đã đến khám ở tuyến huyện rồi được chuyển lên tuyến tỉnh. Kết quả anh Q được chẩn đoán mắc giun rồng.

Sau khi điều trị tại tuyến tỉnh không đỡ, anh Q đã tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám. Kết quả siêu âm tại bệnh viện xác nhận hình ảnh giun rồng nằm dưới da, gây tổn thương mạn tính.

Anh Q cho biết anh có thói quen ăn gỏi sống, rau sống và uống nước suối khi sống ở vùng rừng núi. Đây có thể là nguyên nhân khiến anh bị nhiễm giun rồng. Anh Q không ngờ thói quen ăn uống này lại khiến bản thân mắc bệnh.

Hình ảnh anh Q lấy giun rồng ra khỏi cơ thể hồi giữa tháng 6/2025 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

Chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu

Theo TS.BS Trần Huy Thọ – Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, hiện Việt Nam chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu cho bệnh giun rồng, chủ yếu là điều trị triệu chứng và loại bỏ giun khỏi cơ thể. Giun rồng có thể dài tới hàng mét nên việc lấy giun ra khỏi cơ thể có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần để tránh đứt giun. Quá trình lấy giun ra khỏi cơ thể yêu cầu vệ sinh vết thương kỹ lưỡng và theo dõi sát sao.

Để lấy giun rồng ra khỏi cơ thể, người bệnh phải ngâm vùng tổn thương trong nước sạch để kích thích giun trồi ra, sau đó quấn quanh gạc hoặc que để từ từ kéo giun ra ngoài. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc giảm viêm, giảm đau và kháng sinh phòng nhiễm trùng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh để vết thương tiếp xúc với nguồn nước sinh hoạt, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan ấu trùng.

Kết quả siêu âm cho thấy những nốt sẩn cục là do giun rồng gây ra. (Ảnh N.M)

Trước năm 2020, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm giun rồng và được WHO công nhận là quốc gia không có bệnh giun rồng từ năm 1998. Tuy nhiên, kể từ ca mắc đầu tiên phát hiện tại Yên Bái vào tháng 4/2020, đến nay Việt Nam đã có gần 30 ca được ghi nhận tại các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa.

Giun rồng được cho là lây qua đường tiêu hóa, có thể xâm nhập cơ thể từ nước uống hoặc thực phẩm sống chứa ấu trùng, đặc biệt là các loài thủy sinh như cá, ếch, nhái và tôm. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể vẫn đang được điều tra dịch tễ.

Triệu chứng nhiễm giun rồng không đặc hiệu, có thể chỉ là đau mỏi, sưng đỏ nhẹ, chóng mặt hoặc tiêu chảy. Với trường hợp nặng hơn, giun có thể ký sinh lâu ngày dưới da, gây viêm, tạo ổ áp xe hoặc vôi hóa. Đặc biệt, nếu giun ký sinh gần các khớp, người bệnh có thể bị đau dữ dội và hạn chế khả năng vận động.

Khuyến cáo của chuyên gia

Do chưa có vaccine và phác đồ điều trị đặc hiệu nên ngành y tế đang tập trung vào giám sát và phòng ngừa lây nhiễm bệnh. Theo bác sĩ Thọ, để phòng ngừa lây nhiễm, các địa phương cần:

– Theo dõi, báo cáo ngay các ca nghi ngờ trong vòng 24 giờ sau khi giun rồng xuất hiện.

– Tránh để người, động vật nhiễm bệnh (chó, mèo) tiếp xúc với nguồn nước sinh hoạt.

– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân xây dựng thói quen ăn chín, uống chín để phòng các bệnh ký sinh trùng.

“Dù không gây tử vong nhưng bệnh giun rồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống. Do đó, việc chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời là rất cần thiết, đặc biệt là tại những vùng từng ghi nhận ca bệnh nhiễm giun rồng”, bác sĩ Thọ nhấn mạnh.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan