Hơn 10 năm trước, anh Hà và chị Lan (ở Hà Nội) kết hôn, có với nhau hai cô con gái ngoan ngoãn. Thế nhưng, áp lực từ gia đình chồng và giấc mơ có cháu đích tôn khiến cả hai không khỏi trăn trở.
Chị Lan từng đi xem bói và được “phán” nếu cố sinh con trai, tính mạng chị có thể bị đe dọa. Trong một khoảnh khắc mệt mỏi, chị buông lời: “Anh hãy kiếm em bé ở bên ngoài, nhưng đừng gần quá”.
Được “bật đèn xanh”, anh theo bạn về quê và quen một cô gái trẻ trung, hiền lành. Ngay từ đầu, anh nói rõ không thể cưới cô, chỉ mong cô sinh cho anh một con trai. Cô gái đồng ý. Anh thuê cho cô một phòng trọ ở Hà Nội, chăm sóc trong suốt thai kỳ. Khi biết thai là con trai, anh mừng rỡ khôn xiết. Anh chờ đợi đứa bé chào đời như đếm từng ngày.
Ngày con ra đời, gia đình yêu cầu xét nghiệm ADN để xác định huyết thống. Nhận kết quả khẳng định bé là con ruột, anh không bất ngờ. “ Tôi biết chắc đó là con tôi. Xét nghiệm chỉ để gia đình yên tâm ”, anh nói.

Kết quả xét nghiệm ADN có tỷ lệ chính xác rất cao. (Ảnh: CGAT)
Nhưng điều anh không lường trước là trong thời gian mang thai, người phụ nữ kia quen một chàng trai trẻ khác -người yêu thương và chăm sóc cô thật lòng. Sau khi sinh con, cô thay đổi hoàn toàn. Cô không giao con cho anh, từ chối chu cấp, thậm chí muốn hoàn trả lại mọi vật dụng mà anh từng mua. Bản năng làm mẹ khiến cô không thể rời xa đứa con trai máu mủ của mình.
Khi biết hai người sắp làm đám cưới, anh Hà tìm đến chàng trai kia để cầu cứu, hy vọng vẫn có thể nhìn thấy con. Người thanh niên chỉ nói: “Cô ấy thà mất tất cả, chứ không đánh mất đứa con này”.
Anh đau đớn, nhưng không trách móc. Họ không vòi vĩnh, không cấm cản anh đến thăm con, thậm chí còn mời anh tới chơi. Chính sự tử tế ấy lại khiến anh cảm thấy bất lực. Cảm giác bị gạt ra bên lề cuộc sống của con khiến anh rơi vào trầm cảm, công việc sa sút. Mối quan hệ với vợ cũng bắt đầu rạn nứt.
Chị Lan quay ngoắt thái độ, tố anh phản bội, dồn hết tình cảm cùng của ngon vật lạ cho mẹ con người khác. Không còn niềm tin, chị làm đơn ly hôn. Về lý, chị thắng tuyệt đối – bởi không ai có thể chứng minh được “thỏa thuận miệng” giữa hai vợ chồng năm nào. Trước người đời, anh trở thành kẻ phụ bạc. Trước pháp luật, anh là người có lỗi. Mọi nỗ lực níu kéo đều vô vọng, cuộc hôn nhân hơn một thập kỷ đổ vỡ.
Con gái lớn mới 10 tuổi, vốn là niềm tự hào của cả hai vợ chồng, nay học hành sa sút, suốt ngày ủ rũ. Dù vậy, cô bé vẫn luôn yêu thương và đứng về phía cha mỗi khi mẹ nổi giận. Tình cảm ấy vừa là niềm an ủi duy nhất, vừa là động lực cuối cùng để anh cố gắng.
Giờ đây, anh chỉ mong giữ được quyền nuôi con gái lớn, để có thể dồn hết tình cảm và trách nhiệm mà mình từng đánh mất. Còn với con trai, anh hiểu rằng mình không có nhiều quyền lựa chọn. Anh không tranh giành quyền nuôi, chỉ hy vọng có thể được gặp con, được nhìn thấy nó lớn lên từng ngày, dù là từ xa.
“Tôi chỉ mong một ngày nào đó, tôi sẽ được sống cùng con trai mình. Dù biết đó là hy vọng rất mong manh… ”, anh nói trong nước mắt.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội, giám định ADN là phương pháp y học chính xác nhất hiện nay để xác định huyết thống giữa con và bố (mẹ) nghi vấn (tỷ lệ chính xác lên tới 99,999% hoặc hơn tùy vào số gene làm xét nghiệm. Trường hợp xét nghiệm từ 18-24 locut trở lên, tỷ lệ chính xác vào khoảng 99,99999999%.
Những mẫu được dùng để xét nghiệm AND khá đa dạng có thể là máu, tế bào niêm mạc miệng, bàn chải đánh răng, móng tay chân, tóc có chân.
Những người đi xét nghiệm thường ít nhiều có khúc mắc trong cuộc sống. Để giải tỏa họ cần có một kết quả xét nghiệm ADN chính xác, làm cơ sở chắc chắn để giải quyết đúng đắn mọi vấn đề. Trong số đó, người nhờ ADN cứu vớt được hạnh phúc của mình nhưng cũng không ít gia đình đau khổ khi sự thật được phơi bày.
Đọc bài gốc tại đây.