Chiều hôm đó, khi đang tản bộ trên đường phố Việt Nam, du khách S.T bất ngờ cảm thấy đau thắt ngực dữ dội, khó thở, mồ hôi vã ra và cơ thể dần trở nên yếu ớt. Cảm nhận được sự nguy hiểm, ông cố gắng gọi sự trợ giúp. Ngay lập tức, người dân xung quanh đã có mặt hỗ trợ và gọi cấp cứu. Nhân viên y tế đến hiện trường tiến hành sơ cứu, đo điện tim và nhận thấy dấu hiệu rõ ràng của nhồi máu cơ tim cấp – một tình huống có thể đe dọa tính mạng chỉ trong vài phút.
Không chậm trễ, bệnh nhân được đưa thẳng đến Trung tâm Cấp cứu A9 , Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch: huyết áp tụt mạnh, nhịp tim rối loạn và suy hô hấp nặng, buộc phải đặt ống nội khí quản và thở máy.
Trước tình trạng đó, người bệnh đã nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu A9, phòng cọc 1 trong tua trực nhanh chóng chuyển qua Phòng Can thiệp của Viện Tim mạch để chụp động mạch vành, đồng thời điều trị hồi sức tối đa, đảm bảo huyết động trong suốt quá trình làm thủ thuật chụp mạch vành. Đặc biệt, các bác sĩ đã tập trung triệt để cứu chữa cho người bệnh, bất chấp lúc đó chưa liên hệ được với người thân cũng như không có ai đứng ra bảo lãnh viện phí.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng
Khi nhập viện, tình trạng của ông S.T vô cùng nghiêm trọng. “Kết quả chụp động mạch vành cho thấy người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước (LAD) do huyết khối, sau đó đã được can thiệp đặt 1 stent vào LAD, sau can thiệp dòng chảy tái thông tốt. Người bệnh tiếp tục được chuyển về Trung tâm Cấp cứu A9 để đánh giá đầy đủ tổn thương các tạng sau can thiệp và ngay lập tức được tiến hành các biện pháp kĩ thuật cao vào thời điểm cần nhất”, bác sĩ Phạm Xuân Thắng – Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết.
Hồi sinh kì diệu
Dù được can thiệp thành công, nhưng thử thách chưa kết thúc. Ông S.T rơi vào tình trạng sốc tim sau nhồi máu cơ tim, kèm theo suy đa tạng (suy thận, suy gan, suy hô hấp). Lúc này, mỗi quyết định điều trị đều có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Văn Chi, chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 và sự theo dõi sát sao của TS Nguyễn Hữu Quân cùng đội ngũ “SHOCK-Team” Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ tối ưu. Các bác sĩ liên tục theo dõi huyết động, điều chỉnh liều vận mạch, hỗ trợ hô hấp và tiến hành lọc máu khi cần thiết.
Hai lần thử rút ống nội khí quản không thành công do chức năng tim còn quá yếu. Những tưởng đã rơi vào bế tắc, nhưng với sự kiên trì của đội ngũ y bác sĩ và sự nỗ lực của chính bệnh nhân, S.T dần hồi phục. Một tuần sau, ông có thể tự thở bằng oxy gọng kính, chức năng thận cải thiện dần, các chỉ số huyết động trở về mức an toàn.
Sau hơn hai tuần điều trị tích cực, S.T đã hồi phục gần như hoàn toàn, không để lại di chứng nào nghiêm trọng. Ông được xuất viện và trở về Malaysia trong niềm vui đoàn tụ với gia đình, mang theo lòng biết ơn sâu sắc dành cho đội ngũ y bác sĩ Việt Nam.
Công nghệ hiện đại trong điều trị sốc tim
Ca bệnh của S.T là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của y học Việt Nam trong điều trị nhồi máu cơ tim và sốc tim. Một trong những kĩ thuật tiên tiến được áp dụng trong trường hợp này là sử dụng Catheter Swan-Ganz – một thiết bị giúp theo dõi huyết động một cách chính xác, cho phép bác sĩ điều chỉnh phương án điều trị theo thời gian thực.
Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã tiên phong ứng dụng kĩ thuật này trong điều trị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một bước tiến quan trọng giúp nâng cao tỉ lệ cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.
Để có được sự phối hợp nhịp nhàng trong ca bệnh này, Trung tâm Cấp cứu A9 đã có sự chuẩn bị và ý tưởng triển khai các biện pháp thăm dò huyết động chuyên sâu xuyên suốt lịch sử phát triển. Ban lãnh đạo Trung tâm nhận thấy đây là kiến thức sống còn khi phải tiếp cận với một trường hợp sốc.

Nhóm bác sĩ sang Thái Lan để học, thực hành với các chuyên gia về sốc tim và áp dụng Catheter Swan – Ganz
Sau khi tìm hiểu được xu hướng phát triển Catheter Swan – Ganz ở nhóm bệnh nhân sốc tim trên thế giới đang quay trở lại và có những kết quả báo cáo khá chi tiết được đăng kết các tạp chí Y học uy tín, ngày 19/1/2023, nhóm bác sĩ huyết động Trung tâm Cấp cứu A9 đã sang Thái Lan để học hỏi, thực hành với các chuyên gia về sốc tim và áp dụng Catheter Swan – Ganz trên bệnh nhân sốc tim.
Khi trở về đơn vị công tác, team đã ngay lập tức bắt tay vào công việc thống nhất protocol chuẩn phù hợp với điều kiện tại Việt Nam và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kĩ thuật của Bộ Y tế. Đến ngày 19/1/2023, ca bệnh đầu tiên đã được nhóm triển khai và có kết quả điều trị thành công tốt đẹp. Điều này là niềm động viên tinh thần lớn để nhóm tiếp tục bước đi trên con đường học hỏi, tìm hiểu chuyên sâu về thăm dò huyết động và trả lời cho những câu hỏi chưa có lời giải của các trường hợp sốc tim diễn biến phức tạp. Cho tới nay bước đầu đã có nhiều ca bệnh được điều trị thành công với sự hỗ trợ của Catheter Swan – Ganz, được trở lại với cuộc sống đời thường.
Hiện tại Trung tâm cấp cứu A9 đang tiến hành triển khai đề tài “Nghiên cứu vai trò của Catheter Swan – Ganz trong hồi sức huyết động cho người bệnh sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp”, đề tài được giao cho Nghiên cứu sinh Phạm Xuân Thắng triển khai dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn và TS. Nguyễn Hữu Quân.
Tính đến nay, hàng loạt bệnh nhân sốc tim phức tạp đã được cứu sống nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và việc ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Đọc bài gốc tại đây.