Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Hai người đàn ông khoẻ mạnh phải thở máy vì biến chứng sởi

Hai người đàn ông khoẻ mạnh phải thở máy vì biến chứng sởi

bởi Admin
0 Lượt xem

Bệnh nhân nam, 35 tuổi, quê Thái Bình, nhập viện trong tình trạng sốt, phát ban và suy hô hấp. Chỉ vài ngày sau, anh rơi vào nguy kịch với chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp, suy tim cấp và viêm gan B mạn tính.

Người này phải thở máy, an thần sâu, điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh và truyền miễn dịch tĩnh mạch (IVIG). Theo các bác sĩ, viêm cơ tim là biến chứng hiếm nhưng rất nguy hiểm, khiến việc điều trị càng phức tạp, tiên lượng hạn chế.

Người đàn ông 45 tuổi, quê Hà Giang, nhập viện với triệu chứng suy hô hấp. Anh được xác định mắc sởi kèm theo viêm phổi nặng, phải thở máy qua nội khí quản và điều trị hồi sức tích cực.

Cả hai đều không có bệnh nền nghiêm trọng, không rõ tiền sử tiêm vaccine phòng sởi và cũng không xác định được nguồn lây.

Bệnh nhân mắc sởi biến chứng nguy hiểm phải thở máy.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Giai đoạn đầu chỉ là sốt, ho, phát ban, nhưng bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng, gây viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa tạng và tử vong, đặc biệt ở người chưa có miễn dịch.

ThS.BSNT Lê Thanh Đạt, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngày càng có nhiều bệnh nhân sởi là người trưởng thành, khỏe mạnh trước đó nhưng diễn tiến bệnh lại nặng nề, phức tạp hơn dự đoán.

Một trong những nguyên nhân là sự chủ quan trong tiêm chủng. Nhiều người lớn không nhớ mình tiêm phòng hay chưa, hoặc cho rằng sởi chỉ xảy ra ở trẻ em. Trong khi đó, thực tế lâm sàng chứng minh điều ngược lại.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới cho biết, thời gian gần đây, viện tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn biến chứng nặng, gồm cả phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Một số ca có biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, men gan tăng cao. Nếu không được điều trị hồi sức tích cực kịp thời, nguy cơ tử vong cao.

Theo các chuyên gia, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng sởi. Trẻ em cần được tiêm đủ hai mũi, mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi nhắc lại khi 18 tháng. Với người lớn chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ tiêm chưa, hoàn toàn có thể chủ động tiêm bổ sung.

Dịch sởi đang có dấu hiệu quay trở lại nhiều địa phương, với xu hướng gia tăng ca mắc ở người lớn – đặc biệt là nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ. Ngành y tế cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hệ thống điều trị có thể bị quá tải do các ca biến chứng nặng.

Sởi là mối nguy tiềm ẩn với tất cả mọi người. Những người làm việc trong môi trường đông đúc, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc sống trong vùng có dịch cần chủ động đến cơ sở y tế để kiểm tra, tiêm bổ sung nếu cần.

Việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Một mũi tiêm có thể cứu cả mạng sống.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan