Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Hà Nội: Gia tăng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

Hà Nội: Gia tăng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

bởi Admin
0 Lượt xem

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 21/3 đến ngày 28/3, toàn thành phố ghi nhận 189 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện, tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm Nam Từ Liêm (25 ca), Hoàng Mai (19 ca), Bắc Từ Liêm và Long Biên (mỗi nơi 14 ca), Thanh Trì (13 ca), Hà Đông, Đống Đa và Thường Tín (mỗi nơi 9 ca).

Lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và một trường hợp tử vong. Đáng chú ý, cùng kì năm 2024 không ghi nhận ca bệnh sởi nào. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng, chủ yếu ở nhóm chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ. Dự báo, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã, tăng 80 trường hợp so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 582 trường hợp mắc tay chân miệng, gần gấp đôi so với cùng kì năm 2024.

Bệnh nhi sởi đang được điều trị tích cực

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm hai ổ dịch tay chân miệng, gồm một ổ dịch tại cộng đồng ở phường Phúc La, quận Hà Đông và một ổ dịch tại trường học trên địa bàn phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Lũy kế từ đầu năm, thành phố có 8 ổ dịch tay chân miệng, trong đó hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động.

Bên cạnh đó, số ca sốt xuất huyết trong tuần qua là 6 trường hợp, giảm 1 trường hợp so với tuần trước. Lũy kế từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận 199 ca mắc sốt xuất huyết, giảm hơn 50% so với cùng kì năm 2024. Các bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, não mô cầu, liên cầu lợn không ghi nhận ca bệnh mới.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, CDC Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Trọng tâm là trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trường học, tổ chức tổng vệ sinh, khử khuẩn phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng cảnh báo, trong những tháng gần đây, dịch sởi có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Số ca mắc trong quý I năm 2025 cao hơn hẳn so với năm 2024 và đã có một số ca tử vong. Để kiểm soát dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế xây dựng và cập nhật kế hoạch phòng, chống sởi, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, cách li và điều trị bệnh nhân trong tình huống số ca mắc tăng cao.

Các bệnh viện được yêu cầu tổ chức phân luồng sàng lọc, bố trí khu khám riêng cho bệnh nhân nghi mắc sởi, đảm bảo khu vực thu dung điều trị cách li theo quy định. Với các ca bệnh nặng, cần điều trị hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực hoặc khu vực điều trị riêng trong khoa Bệnh truyền nhiễm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc hạn chế số lượng người thăm bệnh trong các cơ sở y tế, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng. Giám đốc các cơ sở y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố được yêu cầu tăng cường giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch, đồng thời đào tạo, tập huấn nhân viên y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi theo quy định mới nhất.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn. Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về bệnh sởi, tay chân miệng và các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là hiệu quả của vắc xin phòng bệnh.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan