Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Giun rồng làm tổ dưới da người đàn ông

Giun rồng làm tổ dưới da người đàn ông

bởi Admin
0 Lượt xem

Người đàn ông 47 tuổi (ở Phú Thọ), nổi các đường ngoằn ngoèo dưới da, vừa được phát hiện nhiễm giun rồng – loại ký sinh trùng hiếm gặp. Đây cũng là ca bệnh thứ 26 ghi nhận ở nước ta.

Giun rồng làm tổ dưới da người đàn ông- Ảnh 1.

Hình ảnh gắp giun rồng từ chân người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Nhiều nam giới nhiễm giun rồng

Bệnh nhân cho biết ban đầu xuất hiện nốt rát, sẩn màu hồng nhạt trên da vùng hông trái. Sau 5 ngày, các đường ngoằn ngoèo dài 5-6 cm xuất hiện ở vùng gối trái, kèm da khô và ngứa từng cơn, không chảy dịch, không hóa mủ hay sốt.

Vài ngày trước, tại tỉnh Phú Thọ cũng phát hiện một ca giun rồng ở người đàn ông 44 tuổi. Bệnh nhân đi khám do sốt cao, bắp tay sưng to, ngứa nhiều.

Một bệnh nhân nam khác ở Hòa Bình, từng bị mẩn ngứa ở cẳng chân trái, sau đó sưng đỏ và mưng mủ. Khi vết thương đóng vảy, anh dùng tay cạy ra thì bất ngờ kéo được một đoạn “dây trắng” dài khoảng 15 cm, nhưng vẫn chủ quan, không đi khám.

Ít lâu sau, chân phải tiếp tục sưng rộp, ngứa dữ dội. Lần này, anh tự rút ra một con giun dài tới 45 cm. Lần cuối cùng, anh phát hiện thêm một con dài khoảng 20 cm ở vùng lưng. Sau ba lần liên tiếp, anh mới đến cơ sở y tế và được chẩn đoán nhiễm giun rồng – loại ký sinh trùng hiếm gặp.

Ký sinh trùng lây qua thực phẩm sống

Giun rồng tên khoa học là Dracunculus medinensis, gây bệnh ở người và động vật, lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn tái, sống từ động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng.

Tổ chức Y tế thế giới xếp bệnh giun rồng vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Tính đến cuối năm 2024, bệnh giun rồng chỉ còn lưu hành tại 5 quốc gia châu Phi gồm Angola, Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ năm 2020 – 2024 đã ghi nhận 24 trường hợp bệnh do nhiễm giun rồng. Các ca bệnh ghi nhận lẻ tẻ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, Yên Bái có 11 ca, Phú Thọ 9 ca, Thanh Hóa và Lào Cai mỗi nơi 2 ca, Hòa Bình một ca. Bệnh nhân đều là nam giới, có thói quen ăn thực phẩm sống hoặc chín tái cá, ếch, nhái, tôm hoặc uống nước suối trên rừng.

Theo PGS-TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng – Viện Sốt rét, Côn trùng và Ký sinh trùng Trung ương, bệnh giun rồng không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắc-xin phòng bệnh. Người nhiễm phải chờ đến khi giun bò ra ngoài da qua các vết phồng rộp hoặc vết loét mới có thể phát hiện bệnh.

Ấu trùng giun rồng vào cơ thể trong 10-12 tháng sẽ phát triển thành giun tìm cách chui ra ngoài.

Giun rồng làm tổ dưới da người đàn ông- Ảnh 2.

Hình ảnh người bệnh mắc giun rồng ở Phú Thọ

Người mắc thường không có triệu chứng rõ rệt trong thời gian đầu. Khi giun trưởng thành di chuyển dưới da, có thể sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa, sưng đỏ tại vùng tổn thương. Lúc giun chui ra, vùng da thường tiết dịch vàng, lộ đầu giun trắng.

Khi giun trồi ra, cần dùng phương pháp thủ công, quấn và kéo giun ra từ từ để tránh đứt. Có trường hợp mất hơn một ngày để lấy hết giun.

PGS Dũng khuyến cáo người dân không tự ý lấy giun rồng hoặc cắt rạch để loại bỏ, mà cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là ăn chín, uống sôi, đặc biệt với các loại thực phẩm thủy sinh. Người bệnh nên tránh tắm rửa tại ao hồ, suối tự nhiên trong thời gian nhiễm bệnh để ngăn phát tán ấu trùng ra môi trường.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan