Mới đây, Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035.
Liên quan tới mục tiêu trên, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu , Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng miễn phí hoàn toàn viện phí là mong muốn của tất cả chúng ta, nhưng không nước giàu có nào không có hệ thống kiểm tra chi phí y tế, giám sát sự chi tiêu trong lĩnh vực tốn kém nhất này của xã hội.
Theo vị chuyên gia, không thể có chuyện người dân cứ bước vào bệnh viện là được khám, chụp chiếu, điều trị, phẫu thuật rồi ra viện. Không một ngành y tế nào trên thế giới vận hành như vậy, ông cho biết.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
“Nguyên nhân là trong y học, ngoài khó khăn trong đầu tư nguồn lực, con người, cái đáng sợ nhất hiện nay đó chính là lạm dụng chỉ định y khoa”, PGS Hiếu chia sẻ.
PGS Hiếu đưa ra một ví dụ, vào đầu những năm đầu thập niên 2000, có thời điểm BHYT Việt Nam đã có quyết định thanh toán không giới hạn cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành. Và chỉ trong vài tháng, quyết định này phải huỷ bỏ vì số lượng stent được sử dụng tăng vọt, nhiều bệnh nhân được đặt 7-8 stent trên tất cả các mạch máu bị hẹp trong cùng một lúc.
Theo ông Hiếu, chúng ta nên hiểu miễn viện phí là hạn chế tối đa người dân phải bỏ tiền túi trong việc khám chữa bệnh. Để thực hiện việc này, cần 4 nguồn lực:
– Bảo hiểm y tế (BHYT) với lộ trình nâng “trần”, đa dạng hóa các loại hình BHYT bắt buộc, tăng mức và các kỹ thuật được chi trả, miễn phí cung cấp bảo hiểm y tế cơ bản toàn dân…
– Bảo hiểm thương mại tư nhân hoặc BHYT bổ sung cho người có điều kiện (tăng quyền lựa chọn bảo hiểm của người dân tương ứng với mức độ chi trả về các tiện ích về dịch vụ). Bảo hiểm này sẽ bao phủ cả chuyên môn và dịch vụ cũng như những kỹ thuật rất đắt tiền chưa có trong danh mục phê duyệt của BHYT thông thường.
– Ngân sách nhà nước (chi trả nốt % viện phí người dân đang đồng chi trả, ngân sách cấp hoàn toàn cho các đối tượng cấp cứu chưa có BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi…).
– Từ các mạnh thường quân, các quỹ phi lợi nhuận. Đây là nguồn lực rất lớn cần khuyến khích, hỗ trợ cho những ca bệnh khó, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không mua BHYT… Những quỹ này nếu được tổ chức tốt, tường minh sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ bệnh viện có những phương tiện mới, hiện đại trong việc tiếp cận với y học hiện đại.
Ông Hiếu cho rằng: “Nếu chúng ta làm một cách bài bản, tôi hy vọng việc người dân không phải bỏ tiền túi để khám chữa bệnh không chỉ dừng lại là một giấc mơ”.
Đọc bài gốc tại đây.