Trang chủ Sống khỏeThời sự y tế Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Miễn viện phí toàn dân hoàn toàn khả thi nếu có đủ 3 điều này

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Miễn viện phí toàn dân hoàn toàn khả thi nếu có đủ 3 điều này

bởi Admin
0 Lượt xem

Miễn viện phí toàn dân hoàn toàn khả thi

Mới đây, Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035.

PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương miễn viện phí toàn dân mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất, coi đây là “tuyên ngôn mang tính cách mạng” trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ông Cơ, mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu có lộ trình bài bản, có sự đồng lòng của toàn xã hội và có chiến lược phát triển y tế đồng bộ.

Theo vị lãnh đạo bệnh viện, chủ trương miễn viện phí toàn dân là bước tiến mang tính đột phá, thể hiện tư duy lấy con người làm trung tâm và mang đậm giá trị nhân văn của chế độ.

“Là một bác sĩ gần 30 năm, tôi từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân phải khánh kiệt vì chi phí điều trị. Có những hộ gia đình vừa thoát nghèo lại tái nghèo sau một đợt chữa bệnh. Vì vậy, khi Tổng Bí thư đưa ra chủ trương miễn viện phí, tôi cảm nhận rõ đây không chỉ là một quyết sách hành chính mà còn là chiến lược phát triển đất nước, hướng tới an sinh bền vững”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

- Ảnh 1.

PGS.TS Đào Xuân Cơ (ảnh Thanh Hải).

Theo ông Cơ, lộ trình thực hiện đã được chỉ đạo cụ thể như sau:

– Giai đoạn đầu: Ưu tiên các nhóm yếu thế như người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi

– Giai đoạn từ năm 2026 trở đi có thể triển khai khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho toàn dân và tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030–2035.

Tuy nhiên, theo ông Cơ, để thực hiện được mục tiêu lớn này thì cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội chứ không thể chỉ giao cho riêng ngành y tế.

Ba mũi nhọn để tiến tới miễn viện phí toàn dân

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng vấn đề tài chính là điều được quan tâm hàng đầu. Nếu được hoạch định bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu miễn viện phí trong một thập kỷ tới, dựa trên ba nguồn lực chính:

Bảo hiểm y tế toàn dân: Không ngừng mở rộng độ bao phủ và đa dạng hóa hình thức bảo hiểm để mọi người dân đều được bảo vệ.

Ngân sách Nhà nước: Đặc biệt ưu tiên đầu tư cho y tế chuyên sâu, vùng sâu vùng xa, nơi người dân còn khó khăn trong tiếp cận dịch vụ.

Nguồn lực xã hội hóa: Đây là nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ xã hội. “Ở các nước phát triển, hệ thống y tế phi lợi nhuận vận hành rất hiệu quả nhờ huy động mạnh mẽ các nguồn lực này. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng với cơ chế phù hợp”, ông Cơ nhấn mạnh.

Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai cũng xác định ba trụ cột chiến lược trong thời gian tới để đóng góp vào mục tiêu lớn của quốc gia – miễn viện phí toàn dân – cụ thể như sau:

Cấp cứu, điều trị bệnh nặng, hiếm, khó: Không từ chối bất kỳ ca bệnh phức tạp nào thuộc tuyến cuối.

Đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao: Đào tạo chuyên sâu và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Nghiên cứu y học chuyên sâu: Ứng dụng tiến bộ quốc tế, đồng thời chủ động phát minh phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, thuốc mới.

Ở chiều ngược lại, theo ông Cơ, y tế cơ sở cũng cần được củng cố để trở thành “tuyến gác đầu” hiệu quả, giúp giảm tải cho tuyến trên và tiết kiệm chi phí cho người dân.

Thay đổi tư duy đào tạo và cơ chế tuyển dụng

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, chúng ta cần thay đổi tư duy đào tạo và cơ chế tuyển dụng. Cụ thể:

– Không nên chỉ tuyển sinh dựa vào điểm số cao – vốn dẫn đến xu hướng “học xong ở lại thành phố” – mà nên ưu tiên đào tạo người bản địa để họ phục vụ chính quê hương mình.

– Chương trình đào tạo cần điều chỉnh theo hướng đa nhiệm: Bác sĩ cơ sở phải biết đỡ đẻ, cấp cứu, tiêm chủng, xử lý các bệnh phổ biến…

– Áp dụng chính sách đãi ngộ hấp dẫn để giữ chân nhân lực.

– Tích cực chuyển đổi số từ bệnh án điện tử liên thông, hội chẩn từ xa cho đến theo dõi sức khỏe định kỳ.

“Khi y tế cơ sở đủ mạnh, người dân được chăm sóc tốt từ ban đầu, hệ thống y tế quốc gia sẽ giảm được cả chi phí và áp lực vận hành”, ông Cơ nhận định.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan