Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất và tuồn sữa giả vào các kênh phân phối, trong đó có cả đường vào các cơ sở y tế. Thủ đoạn tinh vi, mẫu mã nhái gần như thật, khiến không ít bệnh viện và người tiêu dùng bị đánh lừa. Một số sản phẩm được quảng cáo là “sữa dinh dưỡng dùng trong bệnh viện” nhưng thực chất là hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Trước diễn biến đáng lo ngại này, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – khẳng định, toàn bộ quy trình đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại bệnh viện đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của Bộ Y tế và tiêu chuẩn quốc tế như FDA (Mỹ), EMA (châu Âu). “Muốn tham gia đấu thầu, thuốc phải nằm trong danh mục dược điển quốc gia. Các sản phẩm chế tác không đúng quy chuẩn tuyệt đối bị loại”, ông Cơ nhấn mạnh.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai
Theo lãnh đạo bệnh viện, chính những quy định này đã trở thành “hàng rào kỹ thuật” hiệu quả ngăn chặn hàng lậu, hàng giả lọt vào bệnh viện. Hiện Bạch Mai không phát hiện bất kỳ sản phẩm sữa hay thuốc giả nào liên quan đến vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra.
Tuy nhiên, PGS. Cơ cũng lưu ý, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cần bắt đầu từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến phân phối. “Bệnh viện là đơn vị sử dụng, không có chức năng kiểm định. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý vào cuộc mạnh mẽ từ gốc”, ông nói.
Bên cạnh đó, Bạch Mai cũng kiên quyết thực hiện các biện pháp nội bộ nhằm ngăn chặn tiêu cực. Nhiều hội đồng chuyên môn đã được lập để rà soát đơn thuốc định kỳ. Có bác sĩ đã bị chấm dứt hợp đồng vì kê đơn thuốc cho bệnh nhân mua ngoài bệnh viện.
“Chúng tôi không chấp nhận việc lạm dụng đơn thuốc, lạm dụng xét nghiệm để phục vụ lợi ích cá nhân. Tại Bạch Mai, đơn thuốc chỉ có thuốc – tuyệt đối không có thực phẩm chức năng . Việc bán TPCN trong bệnh viện đã bị cấm hoàn toàn từ ba năm nay”, Giám đốc bệnh viện khẳng định.
PGS Cơ cho hay, 3 năm nay bệnh viện đã nghiêm cấm không bán thực phẩm chức năng trong bệnh viện. Không có chuyện đơn thuốc có 10 loại mà 3 thuốc mà 7 thực phẩm chức năng. Đơn thuốc của Bệnh viện Bạch Mai chỉ có thuốc, không có thực phẩm chức năng.
Chia sẻ ở góc độ một bác sĩ lâu năm, PGS Cơ xúc động: “Nhiều người dân từ vùng sâu vùng xa phải bán cả tài sản để đi chữa bệnh. Có người vừa thoát nghèo, về nhà lại tái nghèo. Tôi thấu hiểu điều đó. Bởi vậy, với vai trò người đứng đầu bệnh viện, tôi đặt y đức, minh bạch và sự công bằng lên hàng đầu”.
“Bệnh viện đã thực hiện rà soát và không có sản phẩm sữa giả, thuốc giả mà cơ quan chức năng vừa phát hiện’, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai khẳng định, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc từ khâu kiểm định ở giai đoạn nhập khẩu hay sản xuất, đến tiêu thụ cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Bởi, để phát hiện những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả thì bệnh viện không đủ và cũng không có chức năng kiểm tra loại hàng hóa.
Hai bệnh viện thu hồi sữa giả
Trước đó khi tiếp nhận thông tin cơ quan chức năng triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ các sản phẩm sữa đang sử dụng tại đơn vị. Qua kiểm tra, bệnh viện phát hiện sản phẩm sữa Hapomil – nằm trong danh mục các sản phẩm do một trong những công ty đang bị điều tra cung ứng – đã được sử dụng trong bệnh viện. Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World cung cấp thông qua hình thức đấu thầu công khai, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Bệnh viện khẳng định không ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma – một trong những doanh nghiệp đang bị điều tra trong vụ án.

Sữa giả bán trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty thuộc đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa được cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá.
“Sau khi nắm được thông tin, bệnh viện đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty trên sản xuất.
Mặc dù chưa có thông tin của cơ quan chức năng về sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus là sữa giả hay không nhưng để đảm bảo quyền lợi người bệnh, ngay trong ngày 12/4/2025, Lãnh đạo bệnh viện đã triển khai các giải pháp: Dừng sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng; liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng, đồng thời đồng hành cùng người bệnh yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh”, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nêu rõ.
Đọc bài gốc tại đây.