Trong lĩnh vực y tế, “rút ống thở” là một hành động quan trọng và nghiêm túc, đại diện cho quyết định chấm dứt các biện pháp can thiệp y tế ở những bệnh nhân không còn khả năng hồi phục. Đây là một quyết định đầy thách thức, thường được thực hiện khi các bác sỹ và gia đình nhận thấy rằng việc tiếp tục điều trị sẽ chỉ kéo dài đau đớn và không mang lại chất lượng sống.
Từ ý nghĩa gốc này, gen Z sử dụng cụm từ “rút ống thở” để chỉ một tình huống xấu vốn đã khó khăn lại càng trở nên tồi tệ hơn, khó cứu vãn. Đó là “cú đánh” cuối cùng khiến cho mọi hy vọng giải quyết vấn đề gần như tan biến.

Ý nghĩa cụm từ “rút ống thở” trong từ điển gen Z. (Ảnh: Nhật Thùy)
Chẳng hạn, khi một dự án vốn đã gặp vô vàn khó khăn từ đầu và cuối cùng nhận được một tin xấu khiến nó không thể tiếp tục, người ta có thể nói: “Dự án này đúng kiểu bị rút ống thở”, ám chỉ rằng mọi nỗ lực cứu vãn dường như đã trở nên vô ích.
Ngoài ra, “ngôn ngữ y tế này” thường được gen Z dùng để mô tả cảm xúc về những concert đang “làm mưa làm gió” thời gian gần đây như Anh trai vượt ngàn chông gai hoặc Anh trai say hi.

Gen Z thường sử dụng cụm từ này trong các bài viết. (Ảnh chụp màn hình)
Từ “rút ống thở” cũng thường dùng để diễn tả những vụ lùm xùm trong ngành giải trí cả ở Việt Nam và thế giới. Chẳng hạn như vụ việc Kim Soo Hyun, ngôi sao hạng A của Kpop bị khui ra mối quan hệ yêu đương với một nữ diễn viên trẻ vừa qua đời khi cô chưa đủ tuổi thành niên, cũng như cách đối xử tàn tệ của anh đối với cô sau đó. Rất nhiều fan Kpop dùng cụm từ “rút ống thở” để mô tả tình trạng không thể cứu vãn của ngôi sao này khi hàng loạt bằng chứng dần dần được khui ra.

Cụm từ chỉ chỉ một tình huống xấu vốn đã khó khăn lại càng trở nên tồi tệ hơn. (Ảnh chụp màn hình)
Từ cuối năm 2024, cụm từ “rút ống thở” bắt đầu rộ lên trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, X (Twitter) và xuất hiện trong vô số bình luận, caption hay các clip. Hiện nay, cụm từ lóng “rút ống thở” lại được gen Z đua nhau sử dụng sau khi hàng loạt scandal đình đám xảy ra trong giới nghệ sỹ và trở thành chủ để nóng trên mạng xã hội, từ scandal tình ái đến các vụ ồn ào về từ thiện, quảng cáo.
Bạn Hoàng Minh, 24 tuổi, Hà Nội, cho biết: ” Gen Z thích dùng các cụm từ có ‘cảm giác mạnh’, những cách diễn đạt khác lạ, đặc biệt là phải có tính cường điệu, dí dỏm một chút để giảm nhẹ áp lực cuộc sống. Nhiều bạn dùng cụm từ lóng ‘rút ống thở’ để than vãn, nhưng nhiều bạn khác dùng từ này như một cách nói hài hước về một khó khăn mình phải đối mặt nhưng không hề mang sắc thái bi quan, họ chỉ muốn xả stress một chút rồi chiến đấu tiếp. Ở một khía cạnh nào đó, đây là lời nhắc nhở sâu sắc về giới hạn của con người khi đối đầu với những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua “.
Đọc bài gốc tại đây.