Ngày 10/7, BS-CK2 Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị bệnh lý giang mai thần kinh. Cụ thể, trong số 7 ca bệnh vào viện, nhiều bệnh nhân có những triệu chứng khó giải thích, như: đột ngột mất thị lực, mờ mắt kéo dài, phù gai thị hai bên, viêm màng não thị thần kinh, lú lẫn, phát ban trên da…
Tiêu biểu nhất là trường hợp nam bệnh nhân 23 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang cũ (nay là tỉnh Đồng Tháp). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất thị lực cả hai mắt, viêm màng bồ đào và phát ban trên cơ thể. Trước đó, người bệnh đã được điều trị ở bệnh viện chuyên khoa mắt nhưng không thuyên giảm. Qua xét nghiệm tại bệnh viện Da Liễu TPHCM, bệnh nhân này được xác định là bị giang mai thần kinh.
Một số trường hợp khác cũng được chẩn đoán mắc bệnh lý này sau khi đã có tổn thương dẫn đến mất thị lực. Có bệnh nhân đến viện vì chóng mặt, giảm thính lực , tưởng là bệnh tai – mũi – họng thông thường nhưng nguyên nhân chính xác là mắc giang mai thần kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo cộng đồng khi có biểu hiện bất thường cần đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, trước đó các bệnh nhân đều có quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình đồng giới hoặc khác giới. Trong nhóm 7 bệnh nhân được xác định mắc giang mai thần kinh hầu hết có quan hệ tình dục đồng giới.
Từ thực tế các ca bệnh, bác sĩ ghi nhận, biểu hiện của giang mai thần kinh rất đa dạng, bao gồm: đột quỵ ở người trẻ (giang mai mạch máu), sa sút trí tuệ, thay đổi hành vi, hoang tưởng (liệt mềm tiến triển), mất điều hòa vận động, đau nhói kiểu sét đánh, mất cảm giác sâu (tabes dorsalis), giảm thị lực, mờ mắt (giang mai mắt), giảm thính lực, chóng mặt (giang mai tai).
Theo BS Thơ, giang mai thần kinh là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh giang mai khi xoắn khuẩn Treponema pallidum xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của giang mai nếu không được điều trị đầy đủ, đúng phác đồ. Dù được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng giang mai thần kinh có biểu hiện âm thầm, dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh khác.
Bệnh giang mai thần kinh có thể diễn tiến dưới hai dạng chính: có triệu chứng hoặc không triệu chứng. Với trường hợp không triệu chứng, người bệnh chỉ được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm dịch não tủy, đặc biệt trong nhóm có yếu tố nguy cơ như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Với trường hợp có triệu chứng, biểu hiện thần kinh – thị giác – thính giác thường tiến triển nhanh, nặng và dễ gây di chứng nếu không điều trị kịp thời.
Việc chẩn đoán giang mai thần kinh không chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng mà còn phải kết hợp với kết quả xét nghiệm huyết thanh học, bất thường trong dịch não tủy (tăng bạch cầu, tăng protein), hình ảnh học não (MRI) và loại trừ các nguyên nhân khác.
Tuy khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn nhưng BS Thơ cho biết, bệnh giang mai thần kinh có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh nếu được phát hiện sớm. Trường hợp chẩn đoán muộn sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tỷ lệ phục hồi thấp.
Giang mai thần kinh là một biến chứng âm thầm nhưng nguy hiểm. Để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện biện pháp tình dục an toàn, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao, cần cảnh giác khi có các biểu hiện bất thường như mờ mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ, thay đổi hành vi… Việc chủ động tầm soát, xét nghiệm giang mai trong các tình huống nghi ngờ có thể giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, tránh di chứng không hồi phục.
Đọc bài gốc tại đây.