Mới đây, anh H. (25 tuổi, ở TP HCM, làm việc về lĩnh vực công nghệ thông tin) đã gặp phải tình trạng rối loạn tâm thần do áp lực về trách nhiệm. Đặc thù công việc nên anh phải tham dự các cuộc họp có sự hiện diện của cấp trên. Mỗi lần như vậy thường cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh không rõ nguyên nhân.
Suy kiệt thể chất, rối loạn tinh thần
Triệu chứng bất ổn kéo dài cả năm khiến sức khỏe anh bị bào mòn, cuộc sống đảo lộn. Anh đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) khám với các biểu hiện lo âu, tinh thần bất thường kèm theo triệu chứng trào ngược, khó chịu vùng thượng vị. Tuy nhiên, qua kiểm tra, nội soi luôn cả dạ dày thì bác sĩ không phát hiện tổn thương thực thể rõ ràng. Nam thanh niên còn bị choáng váng, mất thăng bằng, từng được chẩn đoán rối loạn tiền đình nhưng điều trị không hiệu quả.
Anh đi khám nhiều chuyên khoa như tiêu hóa, tim mạch, thần kinh… song kết quả vẫn bình thường. Hội chứng khiến anh dần mất tự tin, năng suất làm việc giảm, mất tập trung, né tránh nhiều hoạt động, rối loạn giấc ngủ và chất lượng sống suy giảm.
Ám ảnh tương tự cũng xảy ra đối với chị T.N.V. (ở TP HCM, làm trong lĩnh vực bất động sản). Từ một cô gái trẻ, yêu đời, chị trở nên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Chuyện xảy ra từ khi công ty chị mở bán một dự án mới và lãnh đạo trực tiếp yêu cầu tất cả nhân viên phải “chốt đơn” ít nhất có một khách hàng ngay ngày mở bán. “Nhiều nhân viên trong chúng tôi may mắn có người đặt cọc mua. Tuy nhiên, những người không có khách hàng thì bị “sếp” mời vào phòng riêng mắng chửi, đưa ra áp lực dọa nạt. Ám ảnh bằng mọi giá tìm cho ra khách hàng luôn thường trực trong đầu chúng tôi từ đó” – chị V. mếu máo kể.

TS-BS Võ Văn Tân, Trưởng Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tư vấn cho bệnh nhân
Theo TS-BS Võ Văn Tân, Trưởng Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Nhân dân Gia Định, những trường hợp này là điển hình của tình trạng rối loạn dạng cơ thể, thường gặp ở những người trẻ trí thức, cầu toàn, có xu hướng kiểm soát và lo xa. “Áp lực về doanh số, deadline (thời hạn chót) khiến rất nhiều người lao động trong các lĩnh vực IT, sale, marketing, nhân viên văn phòng… rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu” – BS Tân khuyến cáo.
Đừng để động lực thành áp lực
Tại Hà Nội, một người đàn ông 42 tuổi đến Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám cũng trong tình trạng trầm cảm, lo âu kéo dài sau những ngày dài thức đêm vì deadline. Phía sau những biểu hiện tinh thần nặng nề ấy là một vấn đề tế nhị thầm kín vốn “giới mày râu” ít bao giờ nói ra – bị rối loạn cương dương. Nam bệnh nhân nhập viện sau thời gian dài mất ngủ, chán ăn, giảm cân cùng những suy nghĩ bi quan về cuộc sống.
Trước đó, bệnh nhân và vợ đã tìm đến cơ sở y tế để khám nhưng những biểu hiện về mặt thể chất và tâm lý không ngừng tiến triển xấu đi. Người đàn ông này từng là một nhân viên văn phòng năng động, thường làm việc xuyên đêm để hoàn thành các dự án. Ông không hút thuốc, không sử dụng chất kích thích, chỉ có thói quen uống 2-3 ly cà phê đen mỗi ngày để duy trì sự tỉnh táo. Tuy nhiên, trong suốt gần 2 năm chịu áp lực công việc liên tục, đời sống tình dục của ông dần suy giảm. Báo động hơn, dù tuổi đời còn trẻ nhưng khả năng cương cứng ở đàn ông đã không còn. Cuộc sống chăn gối dành cho vợ không còn mặn mà khiến cuộc sống của ông càng thêm tiêu cực, bi quan.
Còn anh N.P.T. (ở TP HCM) sụt 4 kg trong 2 tháng chạy dự án, từ 9 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Không có thời gian nghỉ ngơi, kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần nhưng guồng máy công việc vẫn cuốn lấy anh mỗi ngày. Ám ảnh nhất là đến 23 giờ, thậm chí 1 giờ sáng ngày hôm sau lãnh đạo vẫn nhắn tin vào các group chat để điều chỉnh, giao thêm việc… “Thu nhập cao và thường xuyên được “sếp” dẫn đi ăn tại các nhà hàng sang trọng nhưng tôi không cảm thấy ngon miệng mà như đang nhai rơm. Họ lấy lý do chúng tôi còn trẻ phải yêu công việc, phải “cày” mà đâu biết chúng tôi cần nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe” – anh T. bộc bạch. Hết dự án, anh T. cũng nộp đơn nghỉ việc và về quê “chữa lành” một thời gian dài.
Các chuyên gia cho rằng trong cuộc sống thời đại hiện nay, việc áp KPI (chỉ số đo lường hiệu suất công việc) là một giải pháp chiến lược mang tính thời cuộc lớn để thúc đẩy năng lực cá nhân, đổi mới tư duy sáng tạo, tăng hiệu suất, kết quả làm việc… ở nhiều lĩnh vực. Nhưng đặt sao cho để KPI trở thành động lực thay vì áp lực nơi công sở cũng là bài toán thách thức. “Đặt KPI sáng tạo thế nào để nó là động lực thay vì áp lực khiến nhân viên kiệt sức” – một chuyên gia nhận định.
Ở góc độ y khoa, để điều trị những người mắc hội chứng trên, đặc biệt là giới trẻ, các bác sĩ sẽ áp dụng liệu pháp nhận thức – hành vi, giúp họ nhận diện và thay đổi những suy nghĩ lo lắng thái quá về sức khỏe. Trong trường hợp lo âu kéo dài, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp. Ngoài ra, bệnh nhân được hướng dẫn kỹ năng thư giãn, điều hòa cảm xúc, tăng cường vận động thể chất nhẹ nhàng, giảm áp lực công việc và học cách chấp nhận sự không hoàn hảo. Việc thiết lập lại sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là rất quan trọng.
TS-BS Võ Văn Tân đưa ra lời khuyên mọi người nên phân bố thời gian hợp lý, làm việc trong 8 giờ, không nên kéo dài. Đặc biệt, cải thiện giấc ngủ, nên ngủ đủ từ 7-8 giờ/ngày. Thêm vào đó, nên cố gắng vận động, ví dụ như đi bộ 30 phút/ngày. Người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát đúng đủ dưỡng chất đạm, đường, mỡ… vitamin, khoáng chất để tăng cường thể chất và trí lực. “Nên có mối quan hệ bạn bè, người thân, việc trao đổi cũng giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng. Thời đại công nghệ thông tin nhưng người đi làm cũng nên giới hạn việc tiếp xúc với điện thoại, máy tính vì việc tiếp xúc kéo dài với chúng cũng tăng thêm căng thẳng” – BS Tân lưu ý thêm.
Đọc bài gốc tại đây.