Phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tỉnh, thành có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ về nhà ở xã hội, theo dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế xây dựng.
Mục tiêu của đề xuất là duy trì mức sinh thay thế và thu hẹp chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, nhóm dân cư. Chính sách này được kỳ vọng giúp ổn định chỗ ở cho các gia đình, tạo điều kiện tốt hơn trong việc nuôi dạy con, đồng thời phù hợp với nguồn lực và bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ Y tế, mức sinh tại Việt Nam đang giảm xuống dưới mức thay thế. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện sống ngày càng cải thiện, trình độ học vấn tăng, người trẻ – đặc biệt là phụ nữ – có xu hướng ưu tiên phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí nuôi con, nhà ở, giáo dục, cùng với áp lực kinh tế khiến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn hoặc không muốn sinh thêm con.
Ngoài ra, tình trạng vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát, và phá thai cũng gia tăng, trong khi các chính sách hỗ trợ gia đình có con nhỏ còn hạn chế.

Mức sinh Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử. (Ảnh minh hoạ: Bệnh viện Phụ sản Trung ương)
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mong muốn có hai con vẫn phổ biến. Vì vậy, theo Bộ Y tế, cần có các chính sách cụ thể để hỗ trợ cặp vợ chồng đảm bảo điều kiện sinh và nuôi dạy con tốt.
Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước, dành cho các nhóm ưu tiên với giá thấp hơn thị trường. Thực tế giá nhà ở xã hội còn cao so với thu nhập người lao động. Giá bán khoảng 25 triệu đồng/m2, trong khi nhiều người chỉ thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng. Giá thuê cũng không dễ tiếp cận, với mức 6 triệu đồng mỗi tháng.
Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất ưu tiên nhà ở xã hội cho gia đình sinh đủ hai con được nêu ra. Trước đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam từng kiến nghị hỗ trợ một lần khi mua nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng này.
Cũng trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ định kỳ công bố tình trạng mức sinh để địa phương xây dựng chính sách phù hợp. Với địa phương có mức sinh quá thấp, Chính phủ có thể báo cáo Quốc hội để đề xuất biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất nâng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con thứ hai từ 6 lên 7 tháng.
Các chuyên gia cũng đánh giá mức sinh Việt Nam đã giảm thấp nhất trong lịch sử, dự báo tiếp tục giảm trong tương lai. Xu hướng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là áp lực kinh tế.
Việc lo ngại về chỗ ở và hàng loạt chi phí sinh hoạt như sữa bỉm, giáo dục, y tế trong bối cảnh trượt giá, khiến nhiều người trì hoãn và từ chối sinh con. Đơn cử, tại Hà Nội giá nhà ở, căn hộ tăng mức báo động, việc mua hay thuê đều không hề dễ dàng, chi phí chỗ ở rất tốn kém.
Đọc bài gốc tại đây.