BSCKI Dương Minh Tuấn (Chuyên ngành Nội khoa, Bệnh viện Bạch Mai) kể, anh mới tiếp nhận 1 trường hợp bị suy tuyến thượng thận đáng tiếc.

BSCKI Dương Minh Tuấn. (Nguồn: Facebook)
Cậu bé 14 tuổi, gương mặt sáng sủa, hoạt bát, bước vào phòng khám chỉ vì những cơn hắt hơi, nghẹt mũi – triệu chứng quen thuộc suốt nhiều năm. Mỗi lần thay đổi thời tiết hay hít phải khói bụi, cháu lại khó chịu.
Người mẹ thương con nên đã mua một loại thuốc xịt mũi tên H. Đây vốn là thuốc cần phải dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ vì có chứa corticoid. Người mẹ lại chủ quan tự mua cho con để dùng thường xuyên. Xịt vào là dễ chịu ngay và thế là yên tâm. Không đi khám. Không cần kê đơn. Không ai nghĩ rằng đằng sau sự “dễ chịu” ấy là một cái giá rất đắt.
Tình cờ phát hiện bé trai 14 tuổi bị suy tuyến thượng thận khi thấy da rạn mỏng nhiều
Các bác sĩ chỉ tình cờ phát hiện ra điều bất thường khi thấy da cháu rạn mỏng nhiều – một dấu hiệu mà những ai làm nội tiết đều quen thuộc. Xét nghiệm cho kết quả rõ ràng, tuyến thượng thận của cháu đã bị ức chế, không còn khả năng tiết hormone như trước. Đó là hệ quả của việc hấp thụ corticoid kéo dài qua đường xịt – một con đường mà nhiều người vẫn nghĩ là “an toàn”.

Bé trai 14 tuổi bị suy tuyến thượng thận với tình trạng da rạn mỏng nhiều. (Ảnh: BS Dương Minh Tuấn)
Điều khiến người mẹ bối rối hơn cả là: “Nhưng cháu vẫn khỏe mà, vẫn đi học bình thường, có sao đâu?” .
Thật đáng tiếc, suy tuyến thượng thận có thể và đôi khi là một “kẻ giấu mặt”. Nó không biểu hiện rầm rộ, không sốt, không đau, không làm người ta lo lắng.
Cho đến một ngày, khi cơ thể cần phản ứng trước căng thẳng như sốt cao, tai nạn, phẫu thuật, các vết thương nhiễm trùng ngoài da… thì tuyến thượng thận không còn đủ hormone để đối phó.
Và lúc ấy, tình trạng có thể chuyển biến rất nhanh: Tụt huyết áp, rối loạn điện giải, sốc, hôn mê… và đôi khi là mất đi cơ hội được cứu.
Corticoid không phải là “thuốc lành”
“Mình không trách người mẹ ấy. Chị chỉ làm điều mà bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ làm: Tìm cách giúp con dễ chịu, giúp con đỡ mệt. Nhưng mình ước gì có ai đó cảnh báo sớm hơn, giải thích sớm hơn cho chị hiểu rằng corticoid không phải là “thuốc lành”, và bất kì loại thuốc nào đưa vào cơ thể cũng có hai mặt” , BS Tuấn chia sẻ.

Với người bị suy tuyến thượng thận, khi cơ thể cần phản ứng trước căng thẳng như sốt cao, tai nạn, phẫu thuật, các vết thương nhiễm trùng ngoài da… thì tuyến thượng thận không còn đủ hormone để đối phó, tình trạng chuyển biến rất nhanh. (Ảnh minh họa: Internet)
Điều đáng nói là, dạng thuốc xịt, thuốc bôi ngoài da – những hình thức tưởng như vô hại – vẫn có thể âm thầm phá vỡ sự cân bằng nội tiết trong cơ thể trẻ nhỏ. Và hậu quả, như trong trường hợp này, là một tuyến thượng thận có thể không còn khả năng phục hồi hoàn toàn nữa.
“Vậy nên, nếu bạn là một phụ huynh, nếu con bạn đang dùng thuốc có chứa corticoid, dù chỉ là xịt mũi, bôi da, hay dạng hít, xin đừng chủ quan. Hãy hỏi bác sĩ. Hãy kiểm tra định kỳ. Và đừng đánh đổi sự tiện lợi hôm nay để rồi phải trả giá bằng sức khỏe ngày mai. Mong rằng những câu chuyện như này không lặp lại thêm lần nào nữa” , BS Tuấn cảnh báo.
Chia sẻ trên VTV, BSCKII Nguyễn Chí Sỹ (Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết: Cortisol là một hormone do tuyến thượng thận tiết ra, có tác dụng điều hòa chuyển hóa đường trong cơ thể và chống lại các stress. Corticoid là 1 chất kháng viêm mạnh, thường có trong thành phần của nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lí của nhiều chuyên khoa, như thuốc nhỏ, xịt trong tai mũi họng; thuốc bôi trong da liễu; thuốc uống chống viêm trong nhiều bệnh lý và các thuốc không có nguồn gốc rõ ràng với quảng cáo giúp trẻ ăn ngon, tăng cân.
Việc sử dụng các chế phẩm corticoid liều cao, kéo dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan khác nhau:
– Toàn thân: Phù, tăng huyết áp.
– Chuyển hóa: Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
– Da: Tăng nguy cơ nhiễm trùng da, mỏng da, rạn da, dễ bầm tím, mụn trứng cá.
– Mỡ: Rối loạn phân bố mỡ gây nên kiểu hình Cushing: Mặt tròn như mặt trăng, béo trung tâm, bướu lưng trâu, chi teo.
– Cơ, xương: Teo cơ, loãng xương, chậm phát triển ở trẻ em.
– Tiêu hóa: Viêm loét dạ dày – tá tràng.
– Miễn dịch: Suy giảm miễn dịch nên dễ nhiễm trùng cơ hội, giảm hiệu quả và tăng nguy cơ của vaccine.
– Thần kinh: Thèm ăn, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
– Mắt: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
– Thượng thận: Khi dừng đột ngột có thể gây ra tình trạng Suy thượng thận cấp là 1 tình trạng cấp cứu có khả năng tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh không nên tự ý sử dụng những thuốc có chứa thành phần này cho trẻ, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ để được theo dõi tác dụng phụ của thuốc. Việc theo dõi bao gồm: đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, tốc độ phát triển của trẻ, xét nghiệm máu, kiểm tra mắt từ 1 – 3 tháng/ lần.
Đọc bài gốc tại đây.