Bệnh nhân H.K.D (nữ, 53 tuổi) cho biết bà không bị chấn thương, không lao động nặng, nhưng khoảng 6 tháng nay lại bị đau âm ỉ, đau nhức vùng vai hai bên, đặc biệt là bên trái. Cơn đau tăng lên khi vận động khớp vai và đau vào ban đêm, cơn đau lan xung quanh bả vai và cánh tay. Tình trạng này khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động khớp vai tăng dần gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân như mặc áo, chải đầu…
Lo lắng trước dấu hiệu đau khó chịu, bệnh nhân tự mua thuốc giảm đau về uống nhưng bệnh tình không cải thiện nên đã đi khám.
Bệnh nhân cũng cho biết thêm bản thân có bị thoái hóa cột sống cổ, viêm gan B nhiều năm nay.

Hình ảnh phim chụp khớp vai trái bị đông cứng. (Ảnh bác sĩ cung cấp)
ThS.BS Mạc Thùy Chi – Chuyên khoa Cơ xương khớp, Phòng Khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ – người đã tiếp nhận thăm khám cho bệnh nhân D – chia sẻ, khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hạn chế vận động khớp vai trái, bao gồm hạn chế các động tác khép, dạng, xoay trong/ xoay ngoài.
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định làm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân chính xác gây đau. Kết quả siêu âm khớp vai của bệnh nhân phát hiện các tổn thương hướng tới viêm.
Kết quả chụp MRI khớp vai xác định tổn thương viêm, kèm theo hình ảnh của tổn thương khớp vai và xương cánh tay do thoái hóa. Kết quả chụp MRI cột sống cổ cho thấy tình trạng thoái hóa của đốt sống và đĩa đệm vùng cột sống cổ nhưng không gây chèn ép đám rối thần kinh cột sống cổ.
Theo bác sĩ Thuỳ Chi, nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý của bệnh nhân D là do viêm khớp vai ở giai đoạn đông cứng khớp.
Với chẩn đoán viêm quanh khớp vai trái thể đông cứng, bác sĩ chỉ định điều trị bằng cách tiêm nong khớp vai dưới hướng dẫn siêu âm, kê đơn điều trị ngoại trú, kèm theo hướng dẫn tập luyện tại nhà hàng ngày với các bài tập phục hồi chức năng khớp vai.
Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân đến tái khám và tình trạng đau đã được cải thiện rõ rệt.
Phân biệt viêm khớp vai với bệnh lý khác
Viêm quanh khớp vai (Periarthritis humeroscapularis) là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như: gân, túi thanh dịch, bao khớp và không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…
Có 4 thể lâm sàng của viêm quanh khớp vai, bao gồm:
– Đau vai đơn thuần: thuờng do bệnh lý gân.
– Đau vai cấp: do lắng đọng vi tinh thể.
– Giả liệt khớp vai: do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay khiến cơ delta không hoạt động đuợc.
– Cứng khớp vai: do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày, dẫn đến giảm vận động khớp ổ chảo – xuơng cánh tay.
Bác sĩ Chi khuyến cáo, viêm quanh khớp vai là một bệnh lý phổ biến, gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và hiệu quả làm việc của người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị mất chức năng tay, dẫn đến tàn tật.
Do đó, khi xuất hiện một trong các dấu hiệu đau vai như: đau vai đột ngột, đau quá mức, cơn đau có thể tăng lên khi cử động vai như nâng cánh tay, co cánh tay… người dân nên đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
Đọc bài gốc tại đây.