Theo trang tin Guangming Daily của Trung Quốc, ngày 12/5 vừa qua, người đàn ông tên Trương Hàn (29 tuổi, ở Hà Nam, Trung Quốc) đã nhập viện cấp cứu do bị đau họng nghiêm trọng kèm theo nôn ra máu ồ ạt.
Kết quả khám cho thấy trong cổ họng của bệnh nhân có 1 vật sắc nhọn, mảnh, dài khoảng 5cm đâm thủng thực quản và động mạch chủ ngực, gây xuất huyết nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước đó 1 ngày, bệnh nhân bị hóc xương cá ngay trong bữa ăn. Bệnh nhân đã uống giấm và nuốt vài miếng cơm để xương cá trôi xuống nhưng không thành. Chiếc xương cá vẫn kẹt ở trong cổ họng của bệnh nhân cho đến khi nhập viện.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên dù bác sĩ đã cố gắng hết sức, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

Bệnh nhân tử vong sau khi bị hóc xương cá. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Lý Bằng, Phó trưởng Khoa phẫu thuật vùng đầu – cổ, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho biết các trường hợp tử vong do xuất huyết ồ ạt sau khi bị hóc xương cá đâm thủng thực quản và động mạch không hiếm gặp.
Ngoài ra, trên lâm sàng cũng ghi nhận trường hợp nuốt xương cá vào dạ dày, đâm thủng dạ dày và làm thủng các cơ quan trong ổ bụng (như tuyến tụy), tuy nhiên tỷ lệ này rất nhỏ.
Chia sẻ trên trang QQ News, giáo sư Vương Tế Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện trực thuộc Đại học Trung y Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết trong thực quản có 3 chỗ hẹp sinh lý. Khi bị hóc xương cá hoặc dị vật, chúng thường bị kẹt lại ở các chỗ hẹp này.
Theo giáo sư Vương Tế Dũng, nguy hiểm nhất là khi dị vật mắc kẹt và đâm thủng ở chỗ hẹp thứ hai, đoạn gần với quai động mạch chủ. Điều này có thể gây xuất huyết ở động mạch chủ ngực.

Nhiều người thường tự “chữa” hóc xương cá ngay bằng các phương pháp truyền miệng như nuốt cơm hoặc uống giấm. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Lý Bằng cho biết khi bị hóc xương cá, nhiều người thường tự “chữa” ngay bằng các phương pháp được truyền miệng như nuốt cơm hoặc uống giấm. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo cách này có thể khiến tình trạng hóc xương trở nên nghiêm trọng hơn.
“Việc nuốt thêm cơm có thể khiến xương cá đâm thủng niêm mạc thực quản hoặc di chuyển xuống sâu hơn, đâm thủng các cơ quan khác chẳng hạn như động mạch chủ ở ngực và gây xuất huyết. Ngoài ra, việc uống giấm để làm mềm xương cá cũng không có tác dụng, thậm chí axit trong giấm còn gây tổn thương niêm mạc trong cổ họng và thực quản”, bác sĩ Lý Bằng giải thích.
Bác sĩ Lý Bằng khuyến cáo: “Trong bữa ăn, nếu mọi người vô tình bị hóc xương cá, đừng cố nuốt thêm cơm hoặc uống giấm để xương trôi xuống. Thay vào đó, mọi người cần ngừng ăn và cố gắng ho để đẩy xương cá ra ngoài. Nếu cách này không hiệu quả, hãy lập tức đến viện để các bác sĩ gắp dị vật ra khỏi cổ họng”.
(Theo Guangming Daily, QQ News)
Đọc bài gốc tại đây.